[Factcheck] Tin cháy kho hàng Temu ở Trung Quốc là giả mạo
Bức ảnh kho hàng Temu bốc cháy được tạo ra bởi ứng dụng AI "Grok" của mạng X, những bức ảnh ban đầu cũng còn nguyên logo của Grok ở góc dưới bên phải.
Một tin đồn lan truyền vào ngày cuối năm 2024 cho rằng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn tại kho bãi của nhà bán lẻ thương mại giá rẻ Temu ở Trung Quốc, kèm theo một bức ảnh thậm chí là video được cho làm bằng chứng.
Bức ảnh và đoạn video trên được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội X, kèm dòng trạng thái: "Một nhà kho Temu rộng 57.000 foot vuông ở Trung Quốc đã bốc cháy hôm nay. Tổng thiệt hại về hàng tồn kho ước tính lên tới 56,19 USD".
Thậm chí, nhiều tài khoản có tick xanh cũng đăng lại thông tin này và nhận được số lượt xem rất lớn, lên tới hàng triệu view.
Tin đồn này cũng lan sang YouTube với một đoạn video được dựng theo phong cách bản tin truyền hình, trong đó một người dẫn chương trình nói: "Và ngay lúc này, một nhà kho của Temu đã bị cháy rụi, gây thiệt hại hàng chục euro. Lính cứu hỏa Trung Quốc đã dành nhiều giờ để dập tắt đám cháy, phá hủy hàng nghìn mặt hàng với tổng chi phí gần 56 euro. Temu đã thông báo với khách hàng rằng hiện tại có thêm 8 tuần chậm trễ ngoài thời gian chậm trễ thông thường là 10 tuần đối với tất cả các sản phẩm, bao gồm đồ thể thao khoai tây chiên, chăn trẻ em tortilla và các mặt hàng khác."
Tuy nhiên, theo xác minh của trang Snope thì đây là một tin đồn vô căn cứ, thậm chí là hài hước nhằm giễu nhại thương hiệu bán hàng giá rẻ Temu.
Bức ảnh kho hàng Temu bốc cháy được tạo ra bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) "Grok" của mạng X, những bức ảnh ban đầu cũng còn nguyên logo của Grok ở góc dưới bên phải.
Kênh YouTube Waterford Whispers News đã đăng tải đoạn video nói trên từ ngày 3/9 và rõ ràng là mang phong cách giễu nhại. Khi tìm kiếm trên Google News, người dùng mạng cũng không thể tìm thấy thông tin nào liên quan đến thông tin "cháy kho hàng Temu."