EVN triển khai nhiều giải pháp cấp điện an toàn, ổn định dịp Tết Nguyên đán
Theo dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm chỉ còn 14.700 MW đến 17.500 MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường.
Ngày 6/2, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay để chủ động trong công tác vận hành hệ thống điện và cung cấp điện dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngay từ cuối năm 2023, EVN và các đơn vị có liên quan đã xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, phòng chống cháy nổ; tổ chức phân công, ứng trực 24/24h cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý các tình huống khi có sự cố điện.
EVN cũng đã yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng...
Trong các ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 08/02/2024 tức ngày 29 Tết đến hết ngày 14/02/2024 tức ngày mùng 05 Tết), không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải cắt điện để xử lý sự cố.
Trong công tác vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tính toán, lập phương án vận hành nguồn, lưới và chỉ huy vận hành theo tình hình thực tế. Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường.
Theo số liệu dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm chỉ còn 14.700 MW đến 17.500 MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trên thực tế đối với hệ thống điện hiện nay, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống (như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện...) ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế.
Chính vì vậy, khi công suất phụ tải tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/ giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện Mặt Trời, điện gió) để đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống điện Quốc gia.
Với mục đích tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện Quốc gia, từ cuối tháng 9/2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã công bố hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại nguồn phát vào các khung giờ điển hình: Khung giờ buổi trưa (bức xạ Mặt Trời lớn nhất nhưng công suất tiêu thụ điện thấp) và Khung giờ chiều-tối (công suất tiêu thụ điện cao nhưng bức xạ Mặt Trời rất thấp). Các số liệu này được đăng tải và cập nhật hàng ngày trên trang web của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (https://www.nldc.evn.vn/Thitruongdien).
“EVN đề nghị Chủ đầu tư các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp Điều độ trong việc thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện Quốc gia, nhất là vào dịp nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 khi mức độ tiêu thụ điện giảm mạnh so với ngày bình thường,” đại diện Tập đoàn Điện lực cho hay./.