EU và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực giải quyết bất đồng về xe điện

15 trong số 27 quốc gia thành viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất của EC trong việc áp thuế dự kiến trong thời gian 5 năm này.

Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ôtô quốc tế ở Munich, Đức ngày 8/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo euractiv, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 4/10 sẽ bỏ phiếu quyết định có áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, bất kể quyết định ra sao, Ủy ban châu Âu (EC) và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại ngay cả sau cuộc bỏ phiếu này.

Cuộc bỏ phiếu theo dự kiến ban đầu sẽ diễn ra vào ngày 25/9 nhưng đã được hoãn lại để Trung Quốc và châu Âu có thời gian đàm phán một giải pháp thay thế cho việc áp thuế.

Đề xuất áp thuế của EC đã được gửi tới các quốc gia thành viên vào tối 27/9 và sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Brussels vào ngày 4/10, nhưng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục sau cuộc bỏ phiếu.

Một số thông tin cho biết thêm rằng các mức thuế được đề xuất như EC đã đưa ra vào giữa tháng 8/2024, tức là lên tới 36,3%, bên cạnh mức thuế 10% đã áp dụng cho xe nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.

15 trong số 27 quốc gia thành viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất của EC trong việc áp thuế dự kiến trong thời gian 5 năm này.

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có bốn quốc gia thành viên là Cộng hòa Síp, Malta, Hungary và Slovakia lên tiếng phản đối trong một cuộc bỏ phiếu không chính thức diễn ra vào tháng 7/2024.

Tây Ban Nha, quốc gia ban đầu bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của EC, sau đó đã nói rõ rằng họ sẽ phản đối và một số quốc gia thành viên khác vẫn chưa đưa ra quan điểm của mình.

Trong chuyến thăm Brussels tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa cho biết nước này vẫn đang thảo luận nhằm thống nhất quan điểm cuối cùng của mình. Thụy Điển đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng Bảy.

Cuộc điều tra về xe điện do Trung Quốc sản xuất đã được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tháng 9 năm ngoái.

Người đứng đầu cơ quan điều hành EU sau đó tuyên bố rằng giá của những chiếc xe này “được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ các khoản trợ cấp lớn từ nhà nước."

Sau khi thảo luận về khả năng áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào EU, Trung Quốc đã phản ứng khi mở các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với rượu cognac, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu của châu Âu.

Trong tháng trước, Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) về cuộc điều tra của EC về xe điện, cáo buộc rằng cuộc điều tra này “thiếu cơ sở thực tế và pháp lý” và “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc của tổ chức này./.