EU và Ai Cập ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược và toàn diện
Tổng thống Ai Cập và các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định quan hệ đối tác Ai Cập-EU dựa trên 6 ưu tiên chung, trong đó tập trung vào quan hệ chính trị, ổn định kinh tế, thương mại và đầu tư.
Ngày 17/3, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược và Toàn diện giữa Ai Cập và Liên minh châu Âu (EU).
Tuyên bố chung được ký trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu diễn ra ngày 17/3 tại Cairo, với sự tham dự của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo EU đã cam kết gói tài trợ và đầu tư trị giá 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD) cho Ai Cập.
Gói tài chính này, dự kiến sẽ được giải ngân trong 3 năm tới, bao gồm 600 triệu euro tiền tài trợ (trong đó có 200 triệu euro cho quản lý di cư), 5 tỷ euro khoản vay ưu đãi và 1,8 tỷ euro đầu tư bổ sung trong khuôn khổ kế hoạch kinh tế và đầu tư cho Vùng lân cận phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống El-Sisi khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu là cơ hội để tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và song phương, đồng thời nhấn mạnh hội nghị phản ánh chiều sâu của mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa giữa Ai Cập và EU, Italy, Hy Lạp, Bỉ, Cộng hòa Cyprus và Áo.
Nhà lãnh đạo Ai Cập cho biết hội nghị cũng cho thấy động lực mà mối quan hệ giữa Ai Cập và các đối tác châu Âu đã đạt được gần đây trên các cấp độ chính trị, kinh tế và văn hóa.
Tổng thống Ai Cập và các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định quan hệ đối tác Ai Cập-EU dựa trên 6 ưu tiên chung, bao gồm quan hệ chính trị, ổn định kinh tế, thương mại và đầu tư, quản lý di cư, an ninh và phát triển kỹ năng.
Trong tuyên bố đăng tải trên X, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Ai Cập, cùng với vị trí chiến lược của Cairo trong khu vực, sẽ chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai."
Bà Von der Leyen đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập trong việc tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, nơi người Palestine đang phải đối mặt với nạn đói, đồng thời khẳng định điều quan trọng hiện nay là phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở dải đất này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường quan hệ với Ai Cập trong bối cảnh tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo kêu gọi giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và các nguyên nhân cơ bản của vấn nạn này.
Còn Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades nêu bật vai trò then chốt của Ai Cập trong việc tăng cường an ninh khu vực, nhấn mạnh rằng Ai Cập là trụ cột cho sự ổn định khu vực.
Ông Anastasiades cũng khẳng định giải pháp hai nhà nước là giải pháp khả thi duy nhất nhằm giải quyết vấn đề Palestine.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đánh giá cao vai trò quan trọng của Ai Cập đối với sự ổn định của châu Âu và Đông Địa Trung Hải, trong khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết châu Âu mong muốn tăng cường hợp tác với Ai Cập để đối phó với những thách thức chung, bao gồm cả vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu, Ai Cập cũng đã ký một loạt văn kiện hợp tác với các quốc gia châu Âu, trong đó có tuyên bố chung về việc thành lập hội đồng hợp tác cấp cao Ai Cập-Hy Lạp; thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật cho các khu công nghiệp sản xuất đồ nội thất, đồ da và đá cẩm thạch Ai Cập-Italy; thỏa thuận về việc thúc đẩy quyền và hòa nhập xã hội của người khuyết tật giữa Ai Cập và Italy; và thỏa thuận hợp tác về đào tạo kỹ thuật và dạy nghề giữa Ai Cập và Italy./.