EU chấp thuận thỏa thuận Microsoft mua Activision trị giá 69 tỷ USD

EU sẽ phê duyệt thỏa thuận mua Activision sau khi Microsoft nhượng bộ để đảm bảo rằng các công ty đối thủ sẽ tiếp tục truy cập vào các tựa game do Activision phát triển, chẳng hạn như Call of Duty.

EU chấp thuận thỏa thuận Microsoft mua Activision Blizzard. (Ảnh: Reuters)

Ngày 15/5, Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận thỏa thuận mua Activision trị giá 69 tỷ USD của Microsoft.

Việc Microsoft đề xuất mua công ty trò chơi điện tử Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD đã nhận được một tia hy vọng khi các nhà quản lý của EU phê duyệt thỏa thuận công nghệ tiêu dùng lớn nhất trong 20 năm.

Các quan chức EU cho biết họ sẽ phê duyệt thỏa thuận này sau khi Microsoft, nhà sản xuất bảng điều khiển Xbox, nhượng bộ để đảm bảo rằng các công ty đối thủ của các dịch vụ trò chơi trực tuyến mới sẽ tiếp tục truy cập vào các tựa game do Activision phát triển, chẳng hạn như Call of Duty.

Thương vụ mua lại bom tấn này đã trở thành phép thử xem liệu các cơ quan quản lý trên toàn thế giới có chấp thuận một vụ sáp nhập công nghệ lớn trong bối cảnh lo ngại về sức mạnh của ngành hay không.

Các cơ quan quản lý của Mỹ và Anh từng có động thái ngừng thương vụ mua lại trong những tháng gần đây, lập luận rằng sự kết hợp giữa nhà sản xuất Xbox với công ty nhượng quyền Call of Duty sẽ cản trở sự cạnh tranh.

Thỏa thuận này cũng đã bộc lộ sự rạn nứt giữa các cơ quan quản lý về cách hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

[Anh ngăn chặn Microsoft thâu tóm Activision Blizzard]

Các ý kiến phản đối việc mua lại một phần do các trò chơi trên đám mây có khả năng loại bỏ nhu cầu về phần cứng như bảng điều khiển.

Các nhà quản lý của Mỹ và Anh cho biết việc Microsoft mua Activision sẽ làm giảm lĩnh vực đang phát triển tốt của ngành công nghiệp trò chơi trước khi nó có cơ hội nở rộ.

Ủy ban châu Âu đã chấp thuận sau khi Microsoft đồng ý đảm bảo trong 10 năm rằng các game thủ sẽ có thể chơi các game của Activision trên các dịch vụ trò chơi trên đám mây do các công ty khác phát triển, chẳng hạn như Nvidia./.

Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)