Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Thay đổi thói quen đi lại của người dân
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.
Sau gần 3 năm vận hành, lượng hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tăng cao. Tuyến đường sắt đô thị này đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại.
Chạy đúng giờ và không bị tắc đường
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, trong ngày 23/5, rất đông người dân đã lựa chọn tàu Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. Vào khung giờ cao điểm sáng và chiều, tại các toa tàu luôn kín chỗ, thậm chí nhiều khách phải chen chân đứng trong lúc tàu di chuyển.
Phần lớn hành khách đi tàu là người cao tuổi, học sinh, sinh viên và người lao động, nhân viên hành chính vào trung tâm thành phố để làm việc và trở về nhà khi tan sở.
Dõi qua ô cửa kính phía dưới đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đang đông nghịt phương tiện chen chân và ùn tắc kéo dài, Nguyễn Hà Anh, sinh viên trường Học viện Ngân Hàng đã quyết định đi tàu Cát Linh-Hà Đông trong hai tuần gần đây.
Hà Anh kể, nhà tận Hà Đông, cách trường tới 10km. Trước kia, mỗi lần đi xe máy đến trường là cả một quãng đường dài và hành trình qua nhiều điểm ùn tắc nếu đi vào khung giờ cao điểm sẽ thường xuyên bị muộn học.
Từ ngày đi tàu Cát Linh-Hà Đông, nữ sinh viên này cho biết tàu chạy luôn đúng giờ, êm và không xóc lắc, không khí trong lành, vừa được ngắm cảnh, đầu óc được thư giãn, không bị căng thẳng như khi điều khiển xe máy.
“Do có tuyến đường trên cao nên chạy riêng biệt nên không bao giờ lâm vào cảnh ùn tắc giao thông dưới đường. Đi tàu điện rất tiện, không phải hứng chịu mưa nắng, khói bụi, đến Ga Thượng Đình chỉ cần bắt thêm chuyến buýt nữa là đến trường, thời gian được rút ngắn một nửa so với đi xe máy trước đây,” Hà Anh chia sẻ.
Cô sinh viên trường Học viện Ngân Hàng cũng mong ước Hà Nội sớm có thêm một số tuyến đường sắt đô thị khác để người dân có thêm sự lựa chọn khi tham gia giao thông, kết nối liên tuyến nhằm đảm bảo di chuyển thuận tiện, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhà ở gần Ga Yên Nghĩa (Hà Đông), hàng ngày ông Nguyễn Hoàng Long (70 tuổi) lựa chọn tàu điện là phương thức di chuyển chính để đi đón cháu đang học ở khu vực gần Ga Văn Quán.
Thời gian gần đây, ông Long thấy người dân đi tàu điện rất đông, ngày nào hai ông cháu trên đường về cũng ngồi chật ghế. Tàu chạy êm ái, khi di chuyển có thể tranh thủ làm việc hoặc chợp mắt nghỉ ngơi.
“Việc sử dụng tàu điện để đi làm tiết kiệm được rất nhiều chi phí xăng xe, hạn chế ô nhiễm khói bụi, góp phần dần thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước tạo dựng văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện,” ông Long nhìn nhận.
Từ bỏ xe cá nhân để đi tàu điện
Khẳng định tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội (Hanoi Metro) cho hay mỗi ngày có trên 35.000 hành khách sử dụng tuyến đường sắt này là phương tiện đi lại. Trong số đó, có 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.
“Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường,” ông Trường đánh giá.
Nếu như trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết hiện nay người dân đã chấp nhận đi bộ để tiếp cận các nhà ga (thậm chí trên 2km) và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga.
“Cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ôtô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến. Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự,” ông Trường nói.
Trong năm 2024, Hanoi Metro đặt mục tiêu dự kiến phục vụ gần 11 triệu lượt khách với gần 81.577 lượt tàu./.