Đức tuyên bố sẽ đạt mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO vào năm 2024

Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) cho biết chi tiêu quốc phòng đã vượt quá 200 tỷ euro lần đầu tiên vào năm 2021, tương đương 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 26 quốc gia thành viên EDA.

Xe tăng Leopard của Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 9/11 tuyên bố nước này sẽ đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP do NATO đề ra vào năm sau.

Trả lời họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí trong NATO rằng trong tương lai, 2% GDP là nền tảng cho những nỗ lực của chúng ta... Như chúng tôi thông báo, Đức sẽ đạt được mục tiêu này từ năm tới."

Ngoài ra, Thủ tướng Scholz khẳng định Đức đang ứng phó với tình hình an ninh hiện tại bằng cách triển khai lâu dài một lữ đoàn Bundeswehr (quân đội Đức) ở Litva và sẵn sàng điều động thêm các đơn vị quân đội quy mô lớn hơn trong tình trạng sẵn sàng cao độ.

Về phần mình, ông Stoltenberg tuyên bố NATO cam kết tuân thủ mục tiêu kiểm soát vũ khí và nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi Nga thể hiện trách nhiệm trong vấn đề này.

Đề cập vấn đề xung đột Israel-Hamas, người đứng đầu liên minh quân sự nhấn mạnh các nước đồng minh NATO ủng hộ tạm dừng nhân đạo để tạo điều kiện cho hàng cứu trợ đến được Gaza.

[Chi tiêu quốc phòng của châu Âu lần đầu tiên vượt 200 tỷ euro]

Theo ông Stoltenberg, luật pháp quốc tế cần được tôn trọng và dân thường cần được bảo vệ trong cuộc xung đột. Ông tuyên bố: "Cuộc chiến ở Gaza không được biến thành một cuộc xung đột lớn trong khu vực. Iran và Hezbollah phải đứng ngoài cuộc chiến này."

Trước đó, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) cho biết chi tiêu quốc phòng đã vượt quá 200 tỷ euro lần đầu tiên vào năm 2021, tương đương 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 26 quốc gia thành viên EDA.

Theo Báo cáo dữ liệu quốc phòng hằng năm của Cơ quan Quốc phòng châu Âu, chi tiêu quốc phòng của châu Âu trong năm ngoái tăng 6% so với năm 2020 lên 214 tỷ euro.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi châu Âu bắt đầu thúc đẩy chi tiêu quân sự vào năm 2015./.

(Vietnam+)