Đức "sẵn sàng" chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine
Lãnh đạo CDU/CSU - người có khả năng trở thành Thủ tướng tương lai của Đức - cho rằng "nếu được, thì Đức nên tham gia" chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.
Theo RIA Novosti, ông Friedrich Merz, lãnh đạo khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức và là người có khả năng trở thành Thủ tướng tương lai, tuyên bố Berlin sẵn sàng chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.
Ông Merz phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của đài ARD ngày 13/4: "Vâng, tôi đã tuyên bố chính xác - (Đức) sẽ không tham gia vào cuộc xung đột này, nhưng chúng ta sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine những vũ khí như vậy."
Ông Merz lưu ý rằng các quốc gia châu Âu khác đã cung cấp tên lửa hành trình cho Kiev.
Chính trị gia Đức nhấn mạnh: "Tôi luôn khẳng định tôi chỉ đồng ý với động thái này khi phối hợp với các đối tác châu Âu. Người châu Âu đã cung cấp tên lửa hành trình.
Người Anh đang làm điều đó, người Pháp, và người Mỹ thậm chí còn cung cấp nhiều hơn. Động thái này phải được phối hợp, và nếu được, thì Đức nên tham gia."
Moskva cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở việc tìm ra giải pháp và trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga.
Ông nhấn mạnh Mỹ và NATO không chỉ cung cấp vũ khí cho Kiev, mà còn huấn luyện nhân sự ở Anh, Đức, Italy và các nước khác.
Điện Kremlin tuyên bố việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine không giúp ích cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Slovakia hoài nghi “liên minh thiện chí” hỗ trợ Ukraine
Ngày 14/4, Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini tuyên bố hoạt động hiện tại của nhóm các quốc gia trong cái gọi là liên minh thiện chí hỗ trợ cho Ukraine sẽ không đi đến đâu.
Theo nhà lãnh đạo Slovakia, vấn đề này cần phải được giải quyết ở cấp độ toàn thể Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu tại một hội nghị ở Bratislava, Tổng thống Slovakia nói: “Những liên minh tự nguyện này vẫn chưa hiệu quả. Chúng ta hãy quay lại và hành động ở cấp độ EU, NATO.
Điều này chắc chắn sẽ lâu dài hơn là tạo ra các nhóm quốc gia giả mạo thay đổi từng ngày và phá vỡ sự thống nhất không cần thiết trong liên minh.”
Theo truyền thông Đông Âu, một số quốc gia, bao gồm Anh, Pháp và thậm chí cả Séc muốn đưa quân tới Ukraine.
Trong khi đó tại Slovakia, cả Chính phủ và các đảng đối lập đều lên tiếng phản đối việc đưa binh lính nước này đến hoạt động tại Ukraine.
Chính phủ Slovakia đã quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Kiev từ nguồn dự trữ nhà nước sau khi Thủ tướng Robert Fico lên nắm quyền vào năm 2023./.