Đức-Pháp hợp tác xây dựng hệ thống hành chính hiện đại hơn ở châu Âu
Trọng tâm của sáng kiến Đức-Pháp về giảm tình trạng quan liêu bao gồm giảm bớt gánh nặng thủ tục rườm rà đối với các doanh nghiệp; làm cho các quy định của pháp luật trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn...
Ngày 11/10, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức cho biết chính phủ nước này và Chính phủ Pháp đã thống nhất đưa ra sáng kiến chung về việc giảm tình trạng quan liêu, nhằm xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại hơn ở cấp độ châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, thông cáo của bộ trên cho biết với sáng kiến chung này, Đức và Pháp muốn đơn giản hóa các quy định ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
Mục đích là để đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và chuyển đổi cần thiết về mặt chính sách kinh tế và khí hậu, giúp các khoản đầu tư cho công nghệ tương lai trở nên dễ dàng hơn, giải phóng sức sáng tạo trong kinh doanh và trong quản lý mà không bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết.
Đặc biệt, quá trình số hóa cần được thúc đẩy hơn nữa và được xem xét nhất quán trong các quy định pháp luật.
[Các nước EU đẩy nhanh nỗ lực cải cách các quy định tài chính]
Trọng tâm của sáng kiến Đức-Pháp về giảm tình trạng quan liêu bao gồm giảm bớt gánh nặng thủ tục rườm rà đối với các doanh nghiệp; làm cho các quy định của pháp luật trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn; tích cực hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và năng lượng.
Đối tượng mục tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng một loạt biện pháp phù hợp, tạo động lực và hoạt động dễ dàng hơn.
Hai chính phủ Đức và Pháp kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng quan liêu ở cấp độ EU, giúp giảm gánh nặng cho nền kinh tế và hành chính, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của EU trong dài hạn.
Đức và Pháp đề xuất kiểm kê tất cả các chi phí phát sinh do tình trạng quan liêu; giảm nghĩa vụ báo cáo xuống mức tối thiểu, bãi bỏ các yêu cầu báo cáo nếu trùng lặp.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann, mục đích của sáng kiến chung này là để giảm các loại chi phí không cần thiết thông qua quy định của EU.
Hơn một nửa gánh nặng quan liêu đối với doanh nghiệp hai nước hiện nay đến từ EU.
Do đó, Đức muốn cùng Pháp hành động để giảm bớt gánh nặng này bởi trong một thế giới toàn cầu hóa, chỉ một quốc gia hành động là không đủ. Việc giảm quan liêu là cách để củng cố nền kinh tế và vị thế của châu Âu trên thế giới.
Cùng chung nhận định trên, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck khẳng định với sáng kiến chung này, chính phủ Đức và Pháp đang gửi một tín hiệu quan trọng đến các doanh nghiệp hai nước, cũng như củng cố nền kinh tế của châu Âu.
Đức và Pháp cùng vận động EC triển khai một gói biện pháp nhằm đơn giản hóa các quy định của EU, đặc biệt đối với các công ty vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát huy tính đổi mới và sáng tạo mà không bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết./.