Đức đẩy nhanh việc quốc hữu hóa công ty Gazprom Germania
Ngày 28/8, Cơ quan Mạng lưới năng lượng liên bang Đức cho biết đã đưa Gazprom Germania vào diện quản lý ủy thác từ hồi tháng 4 vì lợi ích của Đức và châu Âu.
Chính phủ Đức đã thành lập một công ty mẹ để thực hiện khả năng quốc hữu hóa công ty Gazprom Germania - công ty năng lượng từng thuộc sở hữu của tập đoàn Gazpom (Nga) song Gazprom được cho đã chấm dứt mối quan hệ với công ty này từ hồi tháng 4/2022 do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo báo Thế giới Chủ Nhật (WaS) của Đức ngày 28/8, Cơ quan Mạng lưới năng lượng liên bang Đức cho biết đã đưa Gazprom Germania vào diện quản lý ủy thác từ hồi tháng 4 vì lợi ích của Đức và châu Âu.
Tên công ty này đã được đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảm bảo Năng lượng cho châu Âu (SEFE).
Công ty mẹ vừa được thành lập hồi đầu tháng 6 có tên gần tương tự là Công ty Trách nhiệm hữu hạn chủ quản Đảm bảo Năng lượng cho châu Âu (SEEHG), có nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn cung trong lĩnh vực năng lượng, cũng như thu mua, nắm giữ và quản lý các khoản đầu tư của công ty.
[Đức tuyên bố cung cấp tín dụng cho công ty Gazprom Germania]
Giám đốc điều hành của công ty mẹ là hai luật sư của công ty luật CMS Hasche Sigle. Trong khi đó, Bộ Kinh tế liên bang Đức xác nhận Bộ này cũng đã biết về việc thành lập công ty mẹ và đây hoàn toàn là biện pháp trù bị cho mọi khả năng tái cấu trúc, nhấn mạnh rằng đó cũng là điều hết sức bình thường đối với các trường hợp tái cấu trúc doanh nghiệp.
Gazprom Germania hay SEFE hiện là đơn vị cung cấp khí đốt chủ chốt ở Đức, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận chuyển khí đốt và vận hành các cơ sở lưu trữ khí đốt.
Chính phủ Đức nhấn mạnh, mục tiêu của các biện pháp được thực hiện là đảm bảo nguồn cung năng lượng ở Đức cũng như châu Âu và mô hình kinh doanh của SEFE cũng sẽ được điều chỉnh trên cơ sở này.
Trước đó, để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, chính phủ liên bang Đức cam kết một khoản tín dụng hàng tỷ euro cho Gazprom Germania. Thông báo của chính phủ không đề cập cụ thể tới khoản tín dụng, song theo các nguồn thạo tin từ chính phủ Đức, số tiền vào khoảng từ 9-10 tỷ euro.
Với việc được đưa vào diện quản lý ủy thác của Cơ quan Mạng lưới năng lượng liên bang Đức, quyền biểu quyết từ các cổ đông Gazprom Germania được chuyển cho cơ quan này. Mọi quyết định của công ty cần có sự chấp thuận của đơn vị được ủy thác.
Theo chính phủ Đức, với các biện pháp can thiệp kịp thời, Berlin vẫn duy trì được ảnh hưởng đối với công ty nằm trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng then chốt cũng như ngăn chặn nguy cơ an ninh năng lượng bị đe dọa./.