Đức ấn định thời gian ngừng mua than đá và dầu mỏ của Nga

Quan chức Đức cho biết thách thức quan trọng phía trước sẽ là lấp đầy khoảng trống lớn khi Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ 158 tỷ m3 khí đốt/năm mà Nga cung cấp.

Hệ thống đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga sang Đức Nord Stream 2 ở Lubmin, miền Đông Bắc Đức, ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Joerg Kukies ngày 13/7 cho biết nước này sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động mua than đá của Nga vào ngày 1/8 tới, ngừng mua dầu mỏ Nga vào ngày 31/12 tới, đánh dấu sự thay đổi lớn trong nguồn cung năng lượng của Đức.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Sydney, do chính phủ Australia và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đồng tổ chức, ông Kukies cho biết thách thức quan trọng phía trước sẽ là lấp đầy khoảng trống lớn khi Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ 158 tỷ m3 khí đốt/năm mà Nga cung cấp.

Ông Kukies nêu rõ: "Chúng tôi sẽ từ bỏ than đá từ Nga trong ít tuần tới." Quan chức này cho biết thêm, trước đây Nga cung cấp 40% than đá và 40% dầu mỏ cho Đức.

Đức đang gấp rút phát triển các trạm đầu mối nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm bù đắp phần giảm sút trong nguồn cung khí đốt cho nước này.

Tuy nhiên, ông Kukies thừa nhận rằng mặc dù Mỹ và Qatar có thể cùng nhau cung cấp khoảng 30 tỷ m3 khí LNG cho châu Âu song vẫn còn khoảng trống lớn cần phải lấp đầy.

[Đức và Áo "hỗ trợ nhau" giải quyết khủng hoảng năng lượng]

Trong khi đó, nhật báo Bild của Đức số ra ngày 12/7 đưa tin Phủ Thủ tướng nước này đã thông báo triệu tập một cuộc họp khẩn để tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng và một số vấn đề khác, trong đó có đại dịch COVID-19.

Báo Bild dẫn các nguồn thạo tin cho biết, cuộc họp khẩn sẽ diễn ra vào ngày 14/7 và do Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng liên bang Wolfgang Schmidt chủ tọa với sự tham gia của Chánh Văn phòng các bang và Chủ tịch Cơ quan mạng lưới liên bang Đức Klaus Müller.

Các bang do liên đảng bảo thủ đối lập Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) lãnh đạo đang gây sức ép nhằm cải thiện hợp tác giữa cấp liên bang và các bang để có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn trong cuộc khủng hoảng khí đốt.

Tại cuộc họp ngày 14/7, các bang do CDU/CSU cầm quyền muốn làm rõ một số vần đề, như lượng khí đốt Đức phải tiết giảm trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung sau 10 ngày bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, bắt đầu từ ngày 11/7; chuẩn bị sẵn các kế hoạch hành động tiết kiệm khí đốt trong trường hợp khẩn cấp; xem xét biện pháp đẩy nhanh cấp phép để các công ty có thể chuyển đổi từ khí đốt sang than đá, dầu mỏ hoặc gỗ; và đánh giá lượng khí đốt có thể được chuyển tới Đức qua các nguồn thay thế.

Báo Bild cho rằng Đức đang bị đe dọa rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí nhằm cắt đứt sự hỗ trợ của Berlin cho Ukraine./.

Minh Châu-Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)