Đưa vào hoạt động Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận

Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ có diện tích hơn 10ha nằm trong rừng Sa Lôn, với tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đại biểu xem trưng bày hình ảnh, hiện vật tại nhà lưu niệm trong Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ngày 2/2, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc).

Dự án Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ có quy mô diện tích hơn 10ha nằm trong rừng Sa Lôn được khởi công vào tháng 1/2022.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng bao gồm các công trình chính như khu di tích gốc, công trình phụ trợ (hầm, chòi nghỉ chân, hội trường, bếp Hoàng Cầm), công trình kết nối giữa khu di tích gốc và khu vực công trình phụ trợ.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, việc chính thức đưa Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ vào hoạt động sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng hào hùng, bất khuất của Đảng bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh Bình Thuận cho các thế hệ hôm nay và mai sau; nhắc nhở thế hệ trẻ thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn.”

[Bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bình Thuận]

Đồng thời, tỉnh từng bước đưa khu di tích trở thành một điểm tham quan trong các tour của khách du lịch, người dân trong lẫn ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu “Du lịch Bình Thuận xanh và thân thiện” thật sự ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn khai thác, phát huy giá trị Khu di tích với bảo vệ cảnh quan môi trường.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại lễ khánh thành Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, yêu cầu các đơn vị liên quan trong toàn tỉnh chủ động triển khai các hoạt động phong phú, sinh động, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân đến tham quan tìm hiểu Khu di tích để hiểu được quá trình đấu tranh gian lao mà anh dũng của các thế hệ đi trước; giá trị và ý nghĩa của hòa bình, độc lập, thống nhất và cuộc sống bình yên hôm nay.

Từ đó kế thừa và tiếp nối truyền thống các thế hệ cha anh tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển quê hương Bình Thuận trong giai đoạn mới.

Bếp Hoàng Cầm sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được phục dựng trong Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ông Dương Văn An đề nghị Ban Quản lý Khu di tích phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên để góp phần quản lý vận hành phát huy hiệu quả của Khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng này, vừa phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân trong tỉnh; đồng thời, đưa Khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan nghiên cứu, học tập.

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là công trình mang nhiều ý nghĩa, được các thế hệ lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm.

Do đó, việc phục dựng lại căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử./.

Nguyễn Thanh (TTXVN/Vietnam+)