Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, đẩy giá dầu giảm xuống còn 72,81 USD/thùng.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên 20/11 sau dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước.

Tuy nhiên, đà giảm đã được hạn chế bởi lo ngại về xung đột ngày càng căng thẳng giữa Nga, một nhà sản xuất dầu mỏ lớn, và Ukraine.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 1/2025 giảm 50 xu Mỹ (0,68%) xuống 72,81 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 1/2025 giảm 49 xu Mỹ (0,71%) xuống 68,75 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, gây áp lực lên giá dầu.

Thêm vào đó, việc nhà sản xuất và khai thác dầu khí hàng đầu Equinor của Na Uy khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup ở Biển Bắc sau sự cố mất điện cũng góp phần làm tăng nguồn cung.

Các chiến lược gia năng lượng của công ty dịch vụ tài chính Macquarie cho biết nhu cầu yếu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vẫn tiếp diễn, khi các biện pháp kích thích kinh tế của nước này không thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu trong tương lai đã giúp hỗ trợ giá.

Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital ở New York, cho biết những rủi ro về nguồn cung này chắc chắn đang hỗ trợ giá và phần nào bù đắp cho những lo ngại về triển vọng nhu cầu toàn cầu.

Ở một diễn biến khác, ngày 20/11, Mỹ đã phủ quyết nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza, làm tăng thêm rủi ro xung đột leo thang. Thông tin có thể đẩy giá dầu tăng cao do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tiềm tàng khi căng thẳng ở Trung Đông tiếp diễn.

Nguồn cung toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nữa, khi Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ có khả năng sẽ trì hoãn việc tăng sản lượng một lần nữa khi nhóm họp vào ngày 1/12 do nhu cầu dầu toàn cầu yếu./.