Dự thảo Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: Tăng cường tính tự chủ
Một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi.
Cụ thể, Thông tư chỉ quy định khung, các yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với các đơn vị tổ chức; không quy định chi tiết quy định và quy trình tổ chức thi như trước đây. Theo đó, các đơn vị căn cứ tiêu chí, tự xây dựng quy trình tổ chức thi, quy chế phối hợp, liên kết và công bố công khai cũng như gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Cục Quản lý chất lượng để quản lý, phục vụ công tác thanh, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm.
Dự thảo cũng tăng cường các giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy, công bằng, đặc biệt chống thi thay, thi hộ. Trong đó, bổ sung quy định như: yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định cho phép đơn vị được tổ chức thi có thể liên kết (test site) với đơn vị khác để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam nếu đơn vị liên kết đáp ứng các điều kiện theo quy định trong Thông tư. Điều này góp phần mở rộng địa điểm tổ chức thi, tạo thuận lợi cho thí sinh khi dự thi hơn.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ quy trình xây dựng Đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi thi giữa các đợt thi; tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các khâu của công tác tổ chức thi.
Cụ thể, đề thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng; theo đúng cấu trúc định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; trong cùng một đợt thi, mỗi thí sinh một mã đề. Giữa 2 lần thi liên tiếp, nội dung phần đọc và nghe không trùng nhau quá 25%; phần thi nói và phần viết không trùng nhau.
Ngân hàng câu hỏi thi phải bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi để tạo ra tối thiểu 70 đề thi. Các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm. Ngân hàng đề thi mỗi năm bổ sung tối thiểu 10% đề thi so với quy định tối thiểu. Các đơn vị tổ chức thi có thể dùng chung ngân hàng câu hỏi thi, đề thi để tổ chức thi./.