Dư địa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Malaysia trong lĩnh vực công nghệ mới
Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản trong khi Malaysia có thế mạnh về sản xuất mặt hàng điện và điện tử, chất bán dẫn, song lại thiếu nguồn nhân lực.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường cho biết Việt Nam và Malaysia có nhiều dư địa hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, sản xuất chất bán dẫn, công nghệ AI, xe điện…
Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản trong khi Malaysia có thế mạnh về sản xuất mặt hàng điện và điện tử, chất bán dẫn, song lại thiếu nguồn nhân lực do cơ cấu dân số bị hạn chế. Đặc biệt cùng hợp tác, hai nước có cơ hội mở cửa thị trường lớn hơn để đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài với cơ sở hạ tầng đồng bộ, dễ kết nối giữa các quốc gia.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc gia Malaysia 2024 ngày 9/5, Tham tán Lê Phú Cường cho rằng nếu Việt Nam hợp tác với Malaysia trong các lĩnh vực nói trên, chúng ta sẽ giảm được chi phí trong nghiên cứu, chia sẻ được những kinh nghiệm quý trong quá trình phát triển và quản lý từ Kuala Lumpur, bởi quốc gia này đã và đang có cơ sở hạ tầng sản xuất điện và điện tử chất lượng cao trong khu vực và thế giới sau ba thập kỷ phát triển liên tục.
Theo Tham tán, Malaysia có ngành công nghiệp ôtô lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan. Lĩnh vực này đóng góp khoảng 4% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia năm 2021.
Malaysia đã đưa ra các biện pháp khuyến khích nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất và lắp ráp xe điện bao gồm miễn thuế thu nhập từ 70-100% trong 5-10 năm cho các nhà đầu tư sản xuất/lắp ráp xe điện và các bộ phận quan trọng và trợ cấp thuế thu nhập từ 60-100% trong thời gian 5-10 năm.
Các ưu đãi tùy chỉnh lên tới 100% miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện và lên tới 85% đối với xe lai sạc điện (PHEV). Do vậy, những hãng xe điện lớn như Tesla, BYD, MINI, BMW, GWM đã có mặt tại Malaysia. Nếu Việt Nam tận dụng cơ hội, hợp tác với Malaysia trong khẩu sản xuất linh kiện hoặc lắp ráp trạm sạc thì chúng ta sẽ rút ngắn được quãng đường rất nhiều.
Cũng trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Raja Badrulnizam, Giám đốc cấp cao Ban kế hoạch chiến lược, Cơ quan Xúc tiến Thương mại quốc gia Malaysia (MATRADE), cho rằng nền kinh tế Malaysia đã tăng trưởng tích cực trong năm 2023, bất chấp những căng thẳng, bất ổn địa chính trị toàn cầu. Có được thành quả này là bởi chính phủ đã kịp thời có biện pháp giải quyết, đặc biệt liên quan đến thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, Malaysia đã nhận thức được những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới, do vậy đẩy mạnh hoạt động thương mại sẽ là trọng tâm chính trong thời gian tới. Malaysia kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong quý 1 năm nay khi hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy do nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ hơn.
Theo ông, trong Diễn đàn ngày hôm nay, tất cả diễn giả đều nói về sự cần thiết của việc chính phủ nhanh chóng thực hiện các kế hoạch tổng thể mới được ban hành, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy hợp tác quốc tế. Về cơ bản, Malaysia cần tìm kiếm các thị trường mới, tăng cường quảng bá sản phẩm, Việt Nam là một trong những thị trường đó.
Theo quan điểm của cá nhân, ông Raja cho rằng Malaysia cần tập trung phát triển nền kinh tế số, cải thiện các phương thức sản xuất, thay đổi các hoạt động thương mại truyền thống, đặc biệt là về thương mại điện tử.
Với chủ đề “Đổi mới chiến lược và liên minh toàn cầu: Đưa Malaysia đến vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu,” Diễn đàn Kinh tế Quốc gia Malaysia 2024 diễn ra tại Kuala Lumpur ngày 9/5 đã thu hút được khoảng 1.000 đại biểu là những doanh nghiệp, học giả, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế.
Ba phiên thảo luận là “Tầm nhìn kinh tế MADANI và Những thỏa thuận kinh doanh mới-Con đường cho chuyển đổi kinh tế?;” “Gia tăng sự chuyên nghiệp: Con đường đổi mới của Malaysia để lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất;” “Khám phá tiềm năng cho các ngành công nghiệp Malaysia và những biện pháp hỗ trợ sự ổn định” được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là những chủ đề nóng, trúng và cần thảo luận trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đúng như đánh giá của Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli thông qua phát biểu của Tổng thư ký của Bộ cho rằng cốt lõi của các cuộc thảo luận nằm ở việc nhận ra những thách thức quan trọng đòi hỏi sự chú ý tập thể và hành động phối hợp. Tốc độ nhanh chóng của sự gián đoạn công nghệ, được đánh dấu bằng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và số hóa, mang lại cả hai con đường để nâng cao hiệu quả cũng như những trở ngại cho các ngành công nghiệp truyền thống và thị trường lao động.
Việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật số sự đổi mới cũng khiến các doanh nghiệp dễ bị tấn công mạng. Tính liên kết của các thị trường toàn cầu khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương xuất phát từ những cú sốc bên ngoài và biến động kinh tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải có khả năng phục hồi và hoạch định chiến lược./.