Dự báo về đàm phán thương mại Mỹ-Trung kéo giá dầu đi xuống

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,03 USD (tương đương 1,66%) xuống 61,12 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,02 USD (1,73%) xuống 58,07 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm hơn 1 USD mỗi thùng trong phiên giao dịch 7/5 khi các nhà đầu tư đưa ra những dự báo khác nhau về cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, kỳ vọng về một thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng làm dịu bớt những lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,03 USD (tương đương 1,66%) xuống 61,12 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,02 USD (1,73%) xuống 58,07 USD/thùng.

Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ tiến hành đàm phán thương mại tại Thụy Sỹ. Đây có thể là bước khởi đầu nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu. Cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng thương mại gia tăng.

Chuyên gia phân tích thị trường Thiago Duarte của công ty tài chính Axi cho biết, mặc dù cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng kỳ vọng về một sự đột phá vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn tại công ty thương mại hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group cho biết, có khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,50% nhưng cho biết nguy cơ lạm phát và thất nghiệp tăng đã khiến triển vọng kinh tế Mỹ thêm phần mờ mịt trong bối cảnh cơ quan này tiếp tục ứng phó với tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Giá dầu cũng chịu áp lực khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dự trữ xăng tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu yếu trước mùa lái xe đi du lịch của Mỹ.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 2 triệu thùng xuống 438,4 triệu thùng trong tuần qua, mức giảm sâu hơn so với dự đoán giảm 833.000 thùng.

Chuyên gia phân tích Tamas Varga từ công ty dịch vụ dầu khí PVM cho rằng giá dầu cũng bị chi phối bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể tăng nhanh hơn dự kiến, trong khi chính sách thương mại của Mỹ vẫn khó dự đoán./.