Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên có nguy cơ vỡ tiến độ
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua tỉnh Bình Định đang có nguy cơ vỡ tiến độ nếu công tác giải phóng mặt bằng không thể sớm hoàn thành.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) qua địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 710/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 với tổng chiều dài là 143,6km (địa phận tỉnh Bình Định 17km, tỉnh Gia Lai 126,6km), vốn vay WB, Hiệp định vay vốn đã được gia hạn lần 1 và sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.
Dự án được triển khai thi công từ tháng 6/2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành 7/8 gói thầu xây lắp, khối lượng còn lại chủ yếu tập trung tại gói thầu XL01 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Thời gian thực hiện dự án còn lại rất ngắn (chỉ còn khoảng 2 tháng), Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 2), nhà thầu tập trung triển khai thi công để hoàn thành toàn bộ gói thầu, dự án trong tháng 12/2024 (trước khi hết hạn Hiệp định vay).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, mặc dù khó khăn về nguồn vốn giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vấn đề tồn tại về mặt bằng nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận cho thi công, cụ thể: tại vị trí đường đầu cầu Bầu Sen, cầu Ba La và một số vị trí trên tuyến (Km52+460 - Km52+487, Km52+500 - Km52+514, Km56+00 - Km56+080),...
“Việc chậm trễ trong giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành trong năm 2024 của dự án; đặc biệt là đối với đường đầu cầu Ba La, Bầu Sen nếu không hoàn thành sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông trong quá trình khai thác và đời sống sinh hoạt của các hộ dân dọc hai bên tuyến,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Đánh giá đây là dự án ODA, sử dụng nguồn vốn vay WB, Hiệp định vay vốn sẽ hết hạn ngày 31/12/2024 và không thể tiếp tục gia hạn Hiệp định, phía Bộ Giao thông Vận tải lo ngại trường hợp sau khi kết thúc Hiệp định vay, dự án vẫn chưa hoàn thành sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Chính phủ với Nhà tài trợ, trong khi thời gian tới, Chính phủ đang cần huy động nguồn lực rất lớn từ các nhà tài trợ ODA để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, trong đó có Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam,…
Để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc nêu trên, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trước ngày 15/11/2024 để triển khai thi công hoàn thành dự án trước khi Hiệp định vay hết hạn.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị bảo hiểm khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác chi trả, bồi thường dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình thi công.
Trong trường hợp đến ngày 15/11/2024, địa phương không thể bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công, Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án 2 sẽ không thể hoàn thành dự án trong thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay vốn trong khi Hiệp định không thể gia hạn lần 2.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét khoanh vùng, xác định các vị trí điểm dừng kỹ thuật và bàn giao nguyên trạng các vị trí còn vướng mặt bằng cho địa phương quản lý để đầu tư hoàn thiện khi địa phương bố trí được nguồn kinh phí./.