Dòng vốn FDI đầu tư vào ASEAN tăng lên mức 174 tỷ USD
Báo cáo thường niên của ASEAN nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ cho thấy khả năng ứng phó và sức hấp dẫn của ASEAN, với tư cách là một điểm đến đầu tư lớn trên thế giới và là động lực tăng trưởng FDI.
Ngày 14/9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN lần thứ 25 đã công bố báo cáo đầu tư ASEAN (AIR) năm 2022, với tiêu đề “Phục hồi đại dịch và thuận lợi hóa đầu tư."
Báo cáo trên cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng 42% lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức tăng kỷ lục trước đại dịch và đảo ngược sự suy giảm hồi năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Báo cáo thường niên nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ trên cho thấy khả năng ứng phó và sức hấp dẫn của ASEAN, với tư cách là một điểm đến đầu tư lớn trên thế giới và là động lực tăng trưởng FDI.
Các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã nỗ lực thuận lợi hóa đầu tư trong những năm qua, với việc thông qua Khung thuận lợi hóa đầu tư ASEAN (AIFF) vào năm 2021, phản ánh cam kết của ASEAN trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.
[Các nền kinh tế ASEAN dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm 2022]
Cũng theo báo cáo, mặc dù AMS đã áp dụng hầu hết các biện pháp AIFF và các biện pháp thuận lợi hóa đầu tư ngày càng hiệu quả hơn, một số khoảng trống vẫn cần được lấp đầy.
Báo cáo đầu tư ASEAN được xây dựng theo thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa Ban thư ký ASEAN và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), với sự tham gia của các thành viên Ủy ban điều phối đầu tư ASEAN và sự hỗ trợ của chính phủ Australia thông qua Chương trình hợp tác phát triển ASEAN-Australia giai đoạn 2.
Theo kế hoạch, AIR 2022 sẽ được tiếp tục giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN vào tháng 11 tới./.