Đồng USD thoát “đáy” 7 tháng so với đồng yen sau đàm phán thương mại Mỹ-Nhật
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, nhích nhẹ lên 99,6 điểm và gần như không thay đổi trong cả tuần này.
Phiên 17/4, tại thị trường châu Á, đồng USD đã phục hồi nhẹ sau khi chạm đáy 7 tháng so với đồng yen, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật không đề cập đến vấn đề tỷ giá.
Đồng bạc xanh cũng ghi nhận mức tăng nhẹ so với một số đồng tiền khác trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài.
Cụ thể, đồng USD đã giảm xuống mức 141,62 yen/USD - mức thấp nhất trong 7 tháng - trước khi bật tăng trở lại mức 142,61 yen/USD trong phiên 17/4, sau khi Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết hai nước không bàn đến vấn đề tỷ giá trong các cuộc đàm phán tại Washington.
Trước đó, đồng yen đã tăng giá do kỳ vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận có lợi cho đồng nội tệ Nhật Bản.
Tuy nhiên, với lượng giao dịch mua vào đồng yen đang ở mức cao nhất kể từ năm 1986, giá đồng yen có thể giảm trở lại nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, nhích nhẹ lên 99,6 điểm và gần như không thay đổi trong cả tuần này.
Hoạt động giao dịch trên thị trường dự kiến sẽ giảm đáng kể trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, khi nhiều thị trường đóng cửa vào thứ Sáu Tuần Thánh (18/4) và tiếp tục nghỉ Lễ Phục sinh vào ngày 21/4 tới.
Cùng ngày, đồng euro giảm nhẹ xuống còn 1,1362 USD/euro, nhưng vẫn hướng tới tuần tăng giá thứ tư liên tiếp, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17/4 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, đà bán tháo đồng USD có thể vẫn chưa dừng lại. Đồng USD đang chịu áp lực giảm trong tháng này sau khi chính quyền Mỹ liên tục đe dọa, áp đặt rồi hoãn các mức thuế cao, làm suy yếu niềm tin vào triển vọng tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ.
Phiên trước (16/4) đồng USD tiếp tục đà suy yếu tại thị trường Mỹ, khi cả các đồng tiền trú ẩn an toàn và nhóm tiền tệ nhạy cảm với rủi ro đều tăng giá so với đồng bạc xanh.
Giới đầu tư đang theo dõi sát các cuộc đàm phán thương mại giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đối tác quốc tế.
Đồng USD đã giảm mạnh từ tuần trước do lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp thuế quan mới. Sự bất định trong cách thực thi chính sách thương mại khiến nhà đầu tư chuyển hướng phân bổ tài sản ra thị trường nước ngoài.
Ông Brad Bechtel, Giám đốc toàn cầu mảng giao dịch ngoại hối tại Jefferies, New York, nhận định: “Chúng ta đang ở trong khoảng trống thông tin, khi Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được tiến triển nào. Thị trường đang chờ xem liệu Mỹ có đạt được thỏa thuận với các nước khác hay không.”
Nhóm phân tích của Citi do ông Daniel Tobon - Giám đốc phụ trách mảng lãi suất của Nhóm 10 quốc gia có đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới (G10) - dẫn đầu, nhận định: “Chúng tôi không cho rằng đây là làn sóng ‘phi đô la hóa’ thực sự và không thấy rủi ro lớn đối với vai trò dự trữ toàn cầu của đồng USD. Tuy nhiên, thế giới hiện đang nắm giữ quá nhiều tài sản Mỹ. Dòng tiền ‘bán tài sản Mỹ’ có thể tiếp tục gây sức ép lớn lên đồng USD trong năm nay.”
Citi dự báo đồng euro có thể tăng lên mức 1,20 USD trong vòng 6 đến 12 tháng tới, trước khi đồng USD có khả năng phục hồi trở lại.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, vừa đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại.
Chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng nhẹ, nhập khẩu tăng mạnh do các doanh nghiệp tranh thủ trước khi bị áp thuế, và tâm lý thị trường có xu hướng xấu đi.
Ông Robert Pavlik, quản lý danh mục cấp cao tại Dakota Wealth, cho biết: “Fed đang chờ đợi thêm tín hiệu trước khi có hành động về lãi suất để xem lạm phát có phải chỉ là tạm thời hay không, và các biện pháp thuế quan sẽ kéo dài bao lâu”./.