Dòng tiền có xu hướng chảy về thị trường khi lãi suất 'hạ nhiệt' nhanh
Nhận định chung cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất "hạ nhiệt" nhanh. Điều này sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán hạn chế điều chỉnh sâu.
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã chịu áp lực bán lớn sau 3 tuần tăng điểm trước đó, khi VN-Index đi từ 1.150 điểm lên vùng đỉnh 1.250 điểm.
Phiên đầu tuần, khối lượng chào bán gia tăng đột biến và khiến VN-Index rơi từ 1.250 điểm về vùng giá 1.220 điểm. Sau đó, thị trường ghi nhận những phiên hồi phục và rung lắc, VN-Index chốt tuần ở mức 1.227,36 điểm, giảm 1,14% so với tuần trước. Bên cạnh đó, HNX-Index đóng cửa ở 252,76 điểm và giảm 1,34%.
Thanh khoản tăng mạnh
Diễn biến trên thị trường cho thấy dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường trong những phiên điều chỉnh. Cụ thể, thanh khoản trên sàn HoSE đạt 133.213 tỷ đồng tăng 9,2% so với tuần trước, tương ứng khối lượng tăng 7,3% với giao dịch trung bình đạt trên 1 tỷ cổ phiếu/phiên tại HoSE. Giá trị giao dịch trên sàn HNX cũng tăng hơn 11% với 12.336,89 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết mặc dù chịu áp lực bán khá mạnh ở nhiều nhóm ngành, song thị trường vẫn giao dịch sôi động.
[Xử phạt các công ty chứng khoán đặt lệnh sai cho khách hàng]
Trái với các nhà đầu tư trong nước, khối ngoại gia tăng bán ròng ở tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị gia tăng 2.142 tỷ đồng. Họ tập trung bán mạnh ở nhóm ngành thép, ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên sàn HNX với giá trị 11,8 tỷ đồng.
Ông Thành chia sẻ, thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần, như Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo đó, khuôn khổ mới sẽ mở ra những cơ hội mới để đưa quan hệ Việt-Mỹ phát triển lên một tầm cao mới.
Trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động nếu có. Bên cạnh đó, nhà đầu tư mở mới trong tháng Tám ghi nhận mức cao nhất trong vòng hơn một năm qua với 188.298 tài khoản.
Ở bình diện quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào (ngày 14/9) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo hạ 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ ngày 15/9).
Theo ông Thành, mặc dù VN-Index chịu áp lực điều chỉnh nhưng thực tế cho thấy có nhiều nhóm mã ghi nhận diễn biến tích cực. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí khi có nhiều mã tăng giá mạnh, vượt và hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử với thanh khoản gia tăng cao, như CNG (+11,76%), PVT (+9,59%), PVB (+8,92%), GAS (+7,24%), OIL (+6,42%), PVS (+6,20%)....
Tương tự, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán giao dịch rất tốt với thanh khoản duy trì mức cao, nhiều mã cổ phiếu đã lên lại vùng giá tháng 3-4/2022, như MBS (+11,43%), BSI (+11,20%), AGR (+8,76%), TVS (+5,70%), SSI (+5,19%)...
Trái lại, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến không thuận lợi khi hầu hết các mã bị bán ra, khiến thanh khoản gia tăng đột biến, cụ thể L14 (-10,14%), VIC (-9,31%), LDG (-9,23%), TDC (-7,95%), NLG (-7,63%), DIG (-7,42%), VHM (-6,48%).
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2309 kết thúc tuần ở mức 1.240,50 điểm, chênh lệch dương 1,69 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình, khối lượng mở OI xu hướng giảm. Ông Thành chỉ ra điều này cho thấy các vị thế đầu cơ đang tăng mạnh khi thị trường biến động.
Nhịp điều chỉnh là cần thiết
Về kỹ thuật, ông Thành cho biết VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh thứ 2 xuất hiện ở vùng cản 1.250 điểm. Diễn biến này là cần thiết và tích cực để thị trường chứng khoán có thể hình thành nền tích lũy đủ tốt (đủ mạnh và chặt chẽ), chuẩn bị cho nỗ lực vượt các vùng cản kỹ thuật tiếp theo.
“Đặc biệt phiên phục hồi nhẹ cuối tuần đã giúp cho VN-Index duy trì quanh vùng 1.223 điểm và mở ra kỳ vọng tích cực hơn trong tuần tới. Trong kịch bản khác, VN-Index có thể kiểm định lại các vùng hỗ trợ quanh mốc 1.215 điểm và xa hơn là 1.200 điểm,” ông Thành nhận định.
Cụ thể hơn, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ ra thị trường đang giằng co trong biên độ hẹp với vùng hỗ trợ là vùng 1.205-1.215 điểm và vùng kháng cự đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm.
Tuần tới, ông Hinh nhấn mạnh thị trường sẽ đón nhận thông quan trọng liên quan tới cuộc họp lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thị trường chứng khoán toàn cầu kỳ vọng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Ngoài ra, thông tin quan trọng hơn sẽ đến từ biên bản cuộc họp với những đánh giá của các quan chức FED về xu hướng lạm phát, việc làm, tăng trưởng và định hướng lãi suất trong giai đoạn tới.
“Nhìn chung, cuộc họp sắp tới khó gây ra sự bất ngờ và biến động lớn cho thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá cũng là điều mà nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Cụ thể, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phần của thị trường,” ông Hinh cho hay.
Ở chiều tích cực hơn, ông Hinh nhìn nhận dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất "hạ nhiệt" nhanh. Nguồn tiền đang quan sát chờ ngoài thị trường sẽ giúp thị trường ổn định và khó giảm sâu.
Trong bối cảnh thị trường đang giằng co tích lũy, ông Hinh khuyến nghị các nhà đầu tư có thể áp dụng chiến thuật giao dịch linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại. Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường về vùng hỗ trợ 1.205-1.215 điểm và hạ tỷ trọng khi thị trường tiến gần tới vùng kháng cự 1.240-1.250 điểm. Trên nền tảng đó, nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này.
“Nếu VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng cao hơn 1.280 điểm, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần và chờ đợi điều chỉnh để mua lại. Ngược lại, VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm, đây có thể là cơ hội gia tăng tỷ trọng danh mục cổ phiếu,” ông Hinh chia sẻ./.