Động thái của BoC sẽ quyết định kinh tế Canada "hạ cánh mềm" hay suy thoái
Các chuyên gia cho rằng với các điều kiện tài chính hạn chế, lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao, kết thúc năm 2023, nền kinh tế Canada hiện "đang ở ngã tư đường.”
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đăng tải trên trang mạng mscanada.com, động thái chính sách của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) trong những tháng tới sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái kinh tế của Xứ sở Lá Phong quyết định việc nền kinh tế nước này sẽ "hạ cánh mềm" hay suy thoái.
Các chuyên gia cho rằng với các điều kiện tài chính hạn chế, lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao, kết thúc năm 2023, nền kinh tế Canada hiện "đang ở ngã tư đường.”
Và BoC sẽ được giao nhiệm vụ đầy thách thức là phải tạo ra sự ổn định về giá, trong khi nền kinh tế vẫn còn suy yếu.
Dựa trên các chỉ số kinh tế trong nước và bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu bắt đầu chuyển hướng sang giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, các thị trường dự đoán BoC có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới, với mức giảm 25 điểm phần trăm.
Nhưng điều đó có nguy cơ gây ra sự trì trệ và khiến nền kinh tế Canada rơi vào suy thoái một cách không cần thiết.
Vì vậy, một số ý kiến cho rằng BoC nên bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng Tư và sẽ thực hiện động thái này ít nhất bốn lần, với mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, để đưa lãi suất về 4%, trong năm 2024.
BoC từng tuyên bố rằng họ sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến khi có đủ bằng chứng cho thấy lạm phát được kiểm soát. Bằng chứng đó giờ đây đang ngày càng hiện rõ và những dấu hiệu suy giảm kinh tế hối thúc các nhà hoạch định chính sách cần phải sớm thay đổi lập trường.
Hiện lạm phát của Canada đang duy trì ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 8% của năm 2022. BoC mong muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, song đã xuất hiện dấu hiệu giảm phát. Chính sách tiền tệ thắt chặt đã dập tắt lượng cầu dư thừa và đẩy nền kinh tế vào tình trạng dư cung.
Lãi suất cao hơn có nghĩa là khoản thanh toán thế chấp cao hơn, khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu. Khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu, doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục giữ giá tăng.
Một điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Canada là thị trường bất động sản. Nếu không tính giá nhà ở, lạm phát đã giảm xuống 2,4% trong tháng 12/2023 và nếu không tính các khoản thanh toán lãi thế chấp cao, con số này là 2,5%.
Lạm phát nhà ở bắt nguồn từ hai yếu tố chính: Giá thuê tăng cao do thiếu nhà ở và các khoản thanh toán lãi thế chấp ngày càng tăng do lãi suất cao hơn.
BoC không thể một mình khắc phục được vấn đề này. Tình trạng thiếu nhà ở của Canada sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết, với sự tham gia của tất cả các cấp từ chính quyền và doanh nghiệp.
Chính hành động thắt chặt tiền tệ của BoC đang góp phần trực tiếp làm trầm trọng hơn vấn đề này, vì khi chủ nhà gia hạn các khoản thế chấp, khoản thanh toán của họ sẽ bị tăng lên do lãi suất đã cao hơn.
Ngay cả sau khi BoC bắt đầu cắt giảm lãi suất, chính sách tiền tệ sẽ vẫn hạn chế và lãi suất chính sách sẽ vượt xa mức trung bình trong 20 năm qua.
Vì phải mất từ 18-24 tháng để cảm nhận được hết tác động của việc thay đổi tỷ giá, đợt tăng lãi suất năm ngoái sẽ tiếp tục làm giảm áp lực lạm phát trên toàn nền kinh tế.
Các chuyên gia tin rằng mặc dù Canada rất có thể sẽ không đạt mức lạm phát 2% cho tới năm sau, nhưng BoC không cần phải đợi đến lúc đó mới giảm lãi suất cơ bản.
Nửa đầu năm 2024 sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada, trong bối cảnh lãi suất cao và tăng trưởng chậm chạp.
Tuy nhiên, việc BoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn có thể cho phép nền kinh tế hồi sinh trong nửa cuối năm nay, miễn là lạm phát vẫn được kiểm soát./.