Đông Nam Á đang “đi chệch hướng” trong lộ trình đầu tư Xanh
Giám đốc điều hành của GenZero, Kimberly Tan, nhấn mạnh "các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt buộc phải tăng tốc nỗ lực vì Đông Nam Á vẫn đang đi chệch hướng."
Trong báo cáo công bố ngày 15/4, công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company nhận định khu vực Đông Nam Á đang “đi chệch hướng” trong lộ trình đầu tư xanh và cần các chính sách cũng như cơ chế tài chính mới để giúp thu hẹp khoảng cách.
Báo cáo thường niên do Bain & Company, tổ chức đầu tư xanh GenZero và ngân hàng Standard Chartered biên soạn, cho rằng với mức tiêu thụ năng lượng ở Đông Nam Á dự kiến tăng 40% trong thập niên này, lượng khí thải CO2 gây biến đổi khí hậu vẫn gia tăng, đồng thời khu vực vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo, mặc dù đầu tư xanh đã tăng 20% vào năm ngoái nhưng vẫn thấp so với mức 1.500 tỷ USD cần thiết trong thập niên này và lượng khí thải ở 10 quốc gia trong khu vực có thể vượt cam kết năm 2030 tới 32% nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại.
Giám đốc điều hành của GenZero, Kimberly Tan, nhấn mạnh "các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt buộc phải tăng tốc nỗ lực vì Đông Nam Á vẫn đang đi chệch hướng."
Theo báo cáo, năng lượng sạch chỉ chiếm 10% tổng nguồn cung và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cao hơn khoảng 5 lần so với đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chi phí vốn cao cũng như các quy định về lưới điện và thuế quan không chắc chắn cũng khiến việc cấp vốn cho các dự án tái tạo trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, chỉ có 4 trong số 10 quốc gia trong khu vực - gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đạt được tiến bộ trong việc định giá khí thải carbon.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều chính sách và ưu đãi hơn, hợp tác khu vực chặt chẽ hơn và tập trung lâu dài vào các công nghệ đã có thể triển khai.
Ông Kimberly Tan cũng cho rằng khu vực Đông Nam Á mới bước vào hành trình khử carbon nên vẫn được hưởng lợi từ việc có nhiều đòn bẩy để giảm lượng khí thải hiện nay.
Báo cáo khuyến nghị 13 đề xuất đầu tư có thể mang lại doanh thu 150 tỷ USD trước năm 2030, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp bền vững và các nhà máy năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Theo báo cáo của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore và công ty tư vấn McKinsey công bố tháng này, Đông Nam Á là khu vực có mức đầu tư thấp thứ hai vào năng lượng tái tạo, chỉ sau khu vực châu Phi Nam Sahara.
Báo cáo cho biết công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời hàng năm tại khu vực này cần tăng từ mức 5 GW hiện tại lên 35 GW trong giai đoạn 2030-2050 nếu muốn đáp ứng các cam kết đưa phát thải ròng về 0.
Đông Nam Á là một trong những nguồn carbon xanh lớn nhất lưu trữ trong các hệ thống đại dương nhưng các hoạt động của con người đang gây ra tổn thất lớn về tiềm năng này.
Trong đó, rừng ngập mặn và môi trường sống thảm cỏ biển là hai hệ sinh thái carbon xanh chiếm ưu thế trong khu vực nhưng vốn lỏng lẻo trong việc bảo tồn tiềm năng carbon xanh.
Những bãi biển ở Đông Nam Á luôn thu hút trí tưởng tượng của khách du lịch trải từ Bali đến Phuket. Tuy nhiên, hiếm có ai nhận ra một tiềm năng khác của bờ biển rộng lớn về khả năng của sinh vật biển phong phú trong đạt được mức trung hòa carbon.
Theo bà Siti Maryam Yaakub, Giám đốc cấp cao Viện carbon xanh quốc tế có trụ sở tại Singapore, hệ thống đại dương gồm các thực vật phù du nhỏ bé đến đai rừng ngập mặn và thảm cỏ biển có thể lưu trữ lượng carbon nhiều gấp 5 lần so với rừng nhiệt đới nhưng tiềm năng tự nhiên to lớn này đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
Các nhà khoa học định nghĩa thuật ngữ carbon xanh là dạng carbon được lưu trữ trong các hệ thống đại dương và Đông Nam Á là một trong những nguồn lớn nhất như vậy. Khu vực đang phải chịu tổn thất lớn về tiềm năng này do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản.
Ở Đông Nam Á, hai hệ sinh thái carbon xanh chiếm ưu thế là rừng ngập mặn và môi trường sống cỏ biển. Rừng ngập mặn là rừng mọc ở vùng tiếp giáp giữa đất liền và biển, trong khi cỏ biển là thực vật sống dưới nước phát triển mạnh ở vùng nước lợ và nước nông.
Tuy nhiên, bà Siti cho rằng khu vực này đang lỏng lẻo trong việc bảo tồn tiềm năng carbon xanh. Bà cho biết: “Rất nhiều rừng ngập mặn ở Sumatra và Java ở Indonesia đang nhanh chóng chuyển đổi sang nuôi tôm và trồng dầu cọ.”
Indonesia chiếm hơn 1/3 diện tích rừng ngập mặn trên thế giới, trong khi các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương như Papua New Guinea và Sunderbans giữa Ấn Độ và Bangladesh cũng có vành đai rộng lớn. Ngoài ra, còn có đai rừng ngập mặn ở Philippines và Campuchia.
Theo bà Siti, nhiều khu vực nghèo đói cũng chặt phá rừng ngập mặn để làm củi nấu ăn, trong khi tình trạng xói mòn liên tục đang diễn ra do tác động của biến đổi khí hậu. Khi mực nước biển dâng cao, nhiều khu rừng ngập mặn này bị ngập thường xuyên hơn và sẽ có những thay đổi về thủy động lực học dẫn đến xói mòn và rừng ngập mặn.
Bà chia sẻ thêm rằng ngay cả những quốc gia thịnh vượng như Singapore cũng đã mất nhiều vùng rừng ngập mặn trong những năm qua do việc thu hồi đất cho các dự án đô thị hóa.
Trong khi đó, Myanmar và Indonesia nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tốc độ tăng dân số cao.Đồng thời, bà khẳng định rằng các hệ thống biển cần được bảo vệ và nuôi dưỡng vì tiềm năng không chỉ hấp thụ carbon trong sinh khối thực vật mà còn trong trầm tích đất.
Khoảng 71 quốc gia có 3 nguồn carbon xanh giàu nhất liên quan rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và đầm lầy muối nhưng chỉ một nửa trong số các quốc gia này đưa ra các giải pháp dựa trên thiên nhiên ven biển và biển vào đóng góp ban đầu do quốc gia tự quyết định.
Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là kế hoạch hành động về khí hậu nhằm cắt giảm khí thải và thích ứng với các tác động của khí hậu. Mỗi bên tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được yêu cầu thiết lập NDC và cập nhật NDC 5 năm/lần.
Hiêp định Paris nhằm mục đích tăng cường ứng phó toàn cầu trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng cách giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng trong thế kỷ này ở mức dưới 2 độ.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc cuối năm 2023, thế giới đang chệch hướng trong đạt được mục tiêu, trong đó hầu hết các nước Đông Nam Á đã đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc năm 2060.
Tiềm năng của carbon xanh trong việc giảm thiểu khí hậu lần đầu tiên được hội đồng liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận khoảng 13 năm trước và nguồn tài nguyên này đã dần được các quốc gia công nhận.
Bà Siti cho rằng carbon xanh là sản phẩm tương đối mới trong lĩnh vực này và mỗi khi nhắc đến giảm thiểu khí hậu dựa vào thiên nhiên thì phần lớn đều nghĩ đến rừng.
Chính vì vậy, vẫn cần xây dựng nhiều nhận thức xung quanh các loại chính sách nhằm khuyến khích nhiều hơn các hành động bảo vệ và phục hồi nhiều hơn này xung quanh các hệ sinh thái carbon xanh.
Viện carbon xanh quốc tế đang khuyến khích các nước đưa hệ sinh thái carbon xanh vào NDC của họ. Tháng 10/2023, viện này đã tổ chức các hội thảo xoay quanh giải pháp chính sách và tài chính cho carbon xanh với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh và Ban thư ký biến đổi khí hậu quốc gia Singapore.
Tuy nhiên, bà Siti cho biết, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm vì mức độ và tình trạng thực sự của các nguồn tài nguyên như thảm cỏ biển ở một số khu vực vẫn chưa được xác nhận.
Các nhà hoạch định chính sách đôi khi không chắc chắn về cách đưa những nguồn tài nguyên này vào mục tiêu chính sách khí hậu của họ.
Trong khi một số quốc gia tỏ ra khá tiến bộ thì các quốc gia khác vẫn đang tìm hiểu về nguồn tài nguyên carbon xanh và cách có thể thực sự đưa nó vào các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết.
Theo một nhà khoa học khí hậu khác, việc phát triển carbon xanh nên là ưu tiên hàng đầu của chính phủ các quốc gia nhưng phải đi đôi với nỗ lực giảm lượng khí thải carbon từ các ngành công nghiệp và các nguồn khác cùng lúc.
Ông Souparna Lahiri, cố vấn cấp cao về chính sách khí hậu và đa dạng sinh học tại Liên minh Rừng Toàn cầu, cảnh báo rằng, không nên sử dụng lợi ích thu được từ việc phát triển các hệ sinh thái như vậy để kinh doanh tín chỉ carbon trên thị trường thế giới vì sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu về khí hậu./.