Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn, một con người điềm đạm, giàu lòng nhân ái, ông luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến toàn bộ cán bộ, nhân viên.
Sáng 15/2, tại Bến Tre, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre.”
Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913-15/02/2023), nhằm tưởng nhớ, tri ân cuộc đời hoạt động cách mạng, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Bến Tre.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có các Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
[Infographics] Huỳnh Tấn Phát: Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh hội thảo là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời cách mạng, những cống hiến to lớn của nhà lãnh đạo Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, tôn vinh và làm sâu sắc hơn những nội dung: Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Từ người trí thức yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo chủ chốt, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực; Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn là một người cán bộ mẫn cán, tận lực, tận tâm, hết mình với công việc, bằng tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng tiến công và kiên định.
Kinh qua nhiều vị trí công tác, với tài năng, nghệ thuật, đạo đức cách mạng của mình, đồng chí luôn phát huy tốt vai trò trung tâm trong đoàn kết các lực lượng trí thức, các thành phần dân tộc, tôn giáo và nhân dân hướng theo cách mạng và chiến đấu, cống hiến vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Sau hội thảo và các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai các công việc nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; tiếp tục vun đắp truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào của dân tộc, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên với khát vọng phát triển mạnh mẽ, chủ động khai thác tối đa cơ hội, thời cơ phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức. Qua đó, xây dựng tỉnh Bến Tre và cả nước phát triển thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học gửi đến hội thảo; trong đó có 12 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo.
Tham luận của các đại biểu, nhà khoa học bám sát chủ đề, nêu bật những cống hiến và khẳng định nhân cách cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Đồng thời khẳng định truyền thống tốt đẹp của quê hương Bến Tre và gia đình, đặc biệt là tinh thần yêu nước, đoàn kết, kiên cường, cần cù, sáng tạo, hiếu học đã nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên tài năng, phẩm chất cao quý của nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát.
Đó là nền tảng ban đầu góp phần sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân và thúc đẩy đồng chí Huỳnh Tấn Phát giác ngộ lý tưởng cộng sản, đi theo con đường cách mạng vô sản.
Tham luận tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhận định kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn, một con người điềm đạm, giàu lòng nhân ái.
Những năm ông phụ trách Mặt trận là những năm đất nước gặp rất nhiều khó khăn, song ông luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan, đến cả hệ thống Mặt trận.
Một phẩm chất cao quý khác ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dù là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận song không bao giờ dựa vào đó để buộc mọi người phải làm theo ý mình mà luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành.
Vì vậy, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông đã cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sỹ Phùng Văn Cung đã vận động, cảm hóa được nhiều nhân sỹ, trí thức, nhiều nhân vật có tên tuổi, đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn ở lại, cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội thảo cũng tập trung phân tích, làm rõ thêm những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát như ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; những đóng góp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng chí Huỳnh Tấn Phát - một trí thức tài ba, ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một nhân cách văn hóa lớn, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời; đồng chí Huỳnh Tấn Phát với Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.
Phát biểu bế mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Hội thảo khẳng định truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của quê hương Bến Tre, của gia đình, dòng họ nội ngoại, nhất là cụ cố nội, cụ cố ngoại và đặc biệt chứng kiến cảnh nước mất, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân. Đó chính là những nhân tố thúc đẩy quá trình giác ngộ lý tưởng cộng sản, đi theo con đường cách mạng và hình thành nhân cách cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, luận giải, phát hiện và làm rõ những vấn đề mới, để bổ sung, làm sâu sắc hơn về cuộc đời, phẩm chất đạo đức cao đẹp, những cống hiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng. Qua đó, góp phần tuyên truyền củng cố, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin, tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bằng hình thức phù hợp; tập trung tuyên truyền vận dụng những bài học kinh nghiệm, những di sản, tinh thần cách mạng của đồng chí trong công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng, vận động quần chúng, tập hợp lực lượng; tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế; trong công tác đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia; xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; tư duy đối với văn nghệ sỹ, trí thức...
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), mất ngày 30/9/1989. Ông là nhà trí thức có uy tín lớn; nhà lãnh đạo giữ nhiều cương vị quan trọng, luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân; là tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; là kiến trúc sư tài năng, sáng tạo và là người cộng sản kiên trung, mẫu mực.
Với tư chất thông minh, được học tập và rèn luyện tốt, sinh viên Huỳnh Tất Phát tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938.
Mang theo hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng, trí tuệ làm đẹp cuộc đời, trí thức Huỳnh Tấn Phát đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu,” tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân; phát huy phẩm chất kiên cường, đạo đức trong sáng, là tấm gương người cộng sản tiêu biểu “tận trung với nước, tận hiếu với dân.”
Với nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết./.