Đối thoại nông nghiệp Cuba-Mỹ đạt nhiều tiến bộ

Ủy viên Nông nghiệp bang Louisiana (Mỹ) Mike Strain khẳng định sự kiện Hội nghị Nông nghiệp Cuba-Mỹ lần thứ 5 giúp từng bước tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh vẫn còn nhiều trở ngại.

Nông dân Cuba đang gieo trồng khoai lang. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, đại diện giới doanh nghiệp nông sản Mỹ cho biết đã đạt được những tiến bộ lớn để tăng cường thương mại giữa nước này và Cuba.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Nông nghiệp Cuba-Mỹ lần thứ 5, diễn ra từ ngày 13 - 15/5 tại La Habana, Ủy viên Nông nghiệp bang Louisiana (Mỹ) Mike Strain khẳng định sự kiện này giúp từng bước tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh vẫn còn nhiều trở ngại.

Ông Strain bày tỏ quyết tâm “tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở” với đối tác Cuba. Ngành nông nghiệp Mỹ rất quan tâm đến việc tăng cường kinh doanh với Cuba.

Đảo quốc Caribe chi 2 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu thực phẩm, tuy nhiên chỉ khoảng 300 triệu USD trong số này là hàng hóa từ Mỹ.

Theo ông Strain, Mỹ có tiềm năng tăng mức xuất khẩu sang Cuba lên gấp 44 lần, thông qua các chủng loại hàng hóa đa dạng, bao gồm gạo, lúa mì, đậu nành, ngô, sản phẩm gia cầm, thịt, sữa, phân bón, nhiên liệu, ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, hạt giống, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Chính trị gia Mỹ cho rằng con đường để vượt qua những trở ngại trong quan hệ song phương là đối thoại thẳng thắn, cởi mở; các tổ chức ở Mỹ tiếp tục hành động ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, đồng thời tăng cường thăm đảo quốc láng giềng này để thúc đẩy các cuộc đối thoại tích cực.

Về phần mình, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất gạo Mỹ (USA Rice) Sarah Moran nêu bật “tiềm năng đáng kinh ngạc của việc trao đổi với Cuba” và bày tỏ mong muốn có thể biến điều đó thành hiện thực.

Theo bà Moran, USA Rice là hiệp hội thương mại Mỹ đầu tiên tham gia Hội chợ quốc tế La Habana (FIHAV). Trước năm 1960, thời điểm lệnh bao vây cấm vận được áp dụng, Cuba luôn là điểm đến hàng đầu của gạo Mỹ do sự gần gũi về địa lý và những điều kiện hậu cần thuận tiện.

Đại diện ngành nông nghiệp của cả Cuba và Mỹ đều xác định trở ngại chính trong hợp tác song phương là các lệnh bao vây cấm vận.

Theo tính toán của Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Mỹ (NASDA), nếu không có lệnh bao vây cấm vận, trao đổi nông nghiệp giữa Mỹ và Cuba có thể đạt khoảng 1 tỷ USD/năm thay vì mức 250 triệu USD như hiện nay./.