Đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp
Phóng viên có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để làm rõ hơn những kết quả đạt được trong công tác lập pháp năm 2023, những giải pháp đổi mới để nâng cao hơn chất lượng.
Năm 2023, hàng loạt dự án luật, nghị quyết, chính sách mới được Quốc hội ban hành để phúc đáp yêu cầu từ thực tiễn, là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Nhân dịp đầu Xuân mới, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để làm rõ hơn những kết quả đạt được trong công tác lập pháp năm 2023 và những giải pháp đổi mới để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
- Xin Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết trong năm qua, Quốc hội đã có những nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ nào trong công tác lập pháp?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Yêu cầu, nhiệm vụ công tác lập pháp trong năm 2023 của Quốc hội rất nặng nề nhưng với tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển, có tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở bám sát Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự nỗ lực vượt bậc, vượt qua khó khăn của các cơ quan trong hệ thống chính trị, kết quả đạt được trong công tác lập pháp của Quốc hội trong năm 2023 là rất tích cực.
Công tác lập pháp tiếp tục được đổi mới trên tất cả các khâu của quy trình lập pháp từ xây dựng chương trình lập pháp đến soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội thảo luận, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo, trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 luật (chiếm trên 50% số lượng luật đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ), 6 nghị quyết quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết quy phạm pháp luật. Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành đã kịp thời phúc đáp yêu cầu của cuộc sống.
Cụ thể, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (tháng 1/2023), Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và một số nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, theo đó đã cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách trong lĩnh vực y tế sau khi Nghị quyết 30/2021/QH15 hết hiệu lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại các kỳ họp thường kỳ thứ 5 và thứ 6, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng, như Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; ban hành các nghị quyết để giải quyết những vấn đề cấp bách, phúc đáp yêu cầu thực tiễn như Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, kịp thời nội luật hóa các quy định liên quan của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bảo đảm quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu của Nhà nước ta từ ngày 1/1/2024. Đồng thời cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế này để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, tư duy đổi mới hoạt động của Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt, thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả rõ rệt. Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV lần đầu tiên được tổ chức, thể hiện rõ quyết tâm đó. Kết quả của Hội nghị có ý nghĩa như thế nào trong việc đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Song hành với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm tới công tác giám sát, đôn đốc công tác triển khai thực hiện, đưa luật, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống với nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, đề cao trách nhiệm, thích ứng linh hoạt với tình hình, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn.
Một trong những dấu ấn quan trọng của Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua là ngày 6/9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV với sự tham dự của 2.400 đại biểu của khối Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, hành chính - tư pháp và các tổ chức chính trị-xã hội.
Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật và thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Qua đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đáp ứng yêu cầu lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh.
Hội nghị đã quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ được Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm, tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân giám sát. Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến thời điểm tổ chức hội nghị; qua đó, kịp thời đôn đốc và xem xét, có giải pháp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; có giải pháp hiệu quả hơn nữa, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường cải cách hành chính...
Thành công của Hội nghị góp phần đưa công tác triển khai luật, nghị quyết đạt nhiều kết quả tích cực hơn, gắn chặt công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đề ra, đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân.
- Trong năm 2023, lần đầu tiên, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là những hoạt động chưa có tiền lệ, triển khai cụ thể Kết luận số 19-KL/TW nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong xây dựng và tổ chức thực thi luật được thể hiện như thế nào qua các hoạt động này, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn. Để đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị vượt qua thách thức, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định tổ chức rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, người dân, doanh nghiệp.
Để kịp thời triển khai Nghị quyết của Quốc hội, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ để đôn đốc triển khai, đồng thời thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do tôi phụ trách, Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực để phối hợp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh.
Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết số 101/2023/QH15. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát của các cơ quan và địa phương, gửi đến Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát của Chính phủ.
Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp với sự tham gia của đại diện các bộ, cơ quan có liên quan của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cho ý kiến về kết quả rà soát ở từng bước của quy trình rà soát, thống nhất xử lý các nội dung giữa các cơ quan còn có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để nghe báo cáo về kết quả rà soát, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình rà soát, cho ý kiến về hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả rà soát.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã được 2 Tổ Công tác, các cơ quan xem xét, xử lý cơ bản thống nhất, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia; chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát để gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Có thể nhận thấy rằng việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lần này là rất kịp thời. Qua rà soát đã góp phần cho thấy rõ hơn bức tranh tổng thể về chất lượng của hệ thống pháp luật. Theo đó, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Có 18/22 lĩnh vực trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 qua rà soát phát hiện quy định có những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập; tuy nhiên, số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều.
Điều đáng mừng là qua tổng hợp, phân loại, các cơ quan của Quốc hội cũng nhận thấy, phần lớn nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật, pháp lệnh, nghị quyết là thuộc các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, của Chính phủ; Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội thống nhất chưa cần thiết phải kiến nghị Quốc hội áp dụng phương án dùng một luật sửa nhiều luật.
Đi sâu vào các việc cụ thể của quá trình triển khai rà soát để thấy rõ hơn sự vào cuộc rất tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với quy mô rất lớn, có thể coi như một đợt “tổng rà soát.”
Cũng chính nhờ đó mà đợt rà soát đã đạt kết quả tốt, được các đại biểu Quốc hội, dư luận ghi nhận và đánh giá cao. Ở một góc độ khác, có thể khẳng định rằng việc nhận diện đầy đủ, khách quan các khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật và kịp thời khắc phục cũng là một giải pháp quan trọng nhằm tránh cả 2 khuynh hướng: hoặc là mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đều đổ lỗi cho pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo; hoặc là tuyệt đối hóa cho rằng pháp luật đã tốt, những vướng mắc trong thực tiễn là do tổ chức thực hiện chưa tốt; qua đó đặt ra yêu cầu vừa phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa phải làm tốt công tác tổ chức thực hiện pháp luật; đồng thời cũng góp phần chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với công tác giám sát thi hành pháp luật, một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2023 là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, qua đó phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
- Hoàn thiện thể chế là quá trình rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong năm tới, Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới gì để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quan tâm thực hiện tốt một số công việc sau đây:
Thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo các cơ quan thường xuyên rà soát, cập nhật để bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Kế hoạch bổ sung Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó cần thực hiện thêm 19 nhiệm vụ mới, đưa tổng số nhiệm vụ cần hoàn thành trong nhiệm kỳ lên thành 156 nhiệm vụ lập pháp. Do đó, đề nghị Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục xác định việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 81 và các nhiệm vụ lập pháp mới được bổ sung là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tất cả các khâu của toàn bộ quy trình lập pháp; tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án được giao trong Chương trình. Đưa việc tổ chức Hội nghị triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội thành hoạt động thường kỳ sau các Kỳ họp của Quốc hội. Tập trung xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thứ tư, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho hoạt động xây dựng pháp luật theo hướng coi đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động đầu tư cho phát triển. Đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật, nhất là tổng kết, khảo sát thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Có chế độ chính sách phù hợp đối với đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật và pháp chế để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!