Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Tạo nên chất keo gắn kết với nhân dân
Theo ông Đào Phú Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng, bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Hải Phòng.
Yêu cầu tất yếu của lịch sử
Theo ông Đào Phú Thùy Dương, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng, bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Trước hết, tác phẩm đã một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm “Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Đây là vấn đề vừa mang tính nguyên tắc, vừa thể hiện được cách nhìn hết sức khách quan, nghiêm túc về vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc. Bằng những minh chứng hết sức ngắn gọn nhưng đầy đủ, bài viết đã hệ thống những thành tựu to lớn đất nước ta đạt được trong suốt 94 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, những khẳng định đanh thép này tiếp tục là kim chỉ nam để đất nước ta bước tiếp trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bài viết cũng đã đưa ra những nhận định hết sức khoa học, thẳng thắn về một số mặt tồn tại trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đều nhận thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập, Đảng luôn có ý thức không ngừng đổi mới.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu lý tưởng, kiên trì nguyên tắc hoạt động, Đảng luôn phân tích đúng xu thế của đất nước và thời đại, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để từ đó ngày càng hoàn thiện trong tổ chức và hoạt động, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo.
Tuy nhiên, những hạn chế về mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, về mô hình tổ chức của Đảng vẫn chậm được khắc phục, tiếp tục là lực cản đối với vai trò và hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng.
Những vấn đề mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra là những đúc kết sinh động từ thực tiễn, với một tinh thần vô cùng nghiêm túc, cầu thị của những người Cộng sản.
Bốn giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu lên hết sức toàn diện và cô đọng.
Tuy không nặng tính hàn lâm, với dung lượng vừa phải, các giải pháp đã giúp toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận diện được những công việc cần tập trung quan tâm trong thời gian tới.
Và điều quan trọng, là ý thức được việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới mô hình tổ chức của Đảng, đổi mới mô hình tổng thể hệ thống chính trị là một yêu cầu tất yếu của lịch sử, là nhu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống, để Đảng gắn bó với nhân dân hơn, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thật hiệu quả mục tiêu cao nhất của Đảng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Chuyển đổi số là “chìa khóa” xây dựng tổ chức đảng vững mạnh
Còn theo bà Phạm Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, thông điệp bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là định hướng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, tập trung trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng và phát triển đất nước.
Bài viết đã làm rõ nhiều quan điểm chủ đạo của Đảng ta tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Bài viết đặc biệt nhấn mạnh bốn công tác trọng tâm để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ.
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, theo bà Phạm Bích Ngọc, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp phải gương mẫu để quần chúng tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Đối với công tác giáo dục trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát. đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng là vô cùng quan trọng.
Theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, đổi mới theo hướng bao quát, toàn diện hơn, theo phương châm “giám sát phải mở rộng,” “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.”
Tại các cơ sở giáo dục, việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc thông báo công khai kết quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng góp phần nhắc nhở, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên, tạo sức lan tỏa, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, giáo dục, đào tạo của đơn vị.
Bà Phạm Bích Ngọc cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng Đảng, thời gian qua, nhiều cơ sở Đảng ngành giáo dục đã cài đặt phần mềm cập nhật dữ liệu đảng viên, ví dụ như “Sổ tay đảng viên điện tử,” góp phần bảo đảm đồng bộ, liên thông trong toàn Đảng về cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh đào tạo theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Như vậy, trong điều kiện thực tế của công tác giáo dục hiện nay, việc tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng phát huy cao vai trò của các cấp ủy Đảng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức Đảng phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./.