Độc đáo trải nghiệm đua thuyền buồm tại vịnh Hạ Long
Với những lợi thế đặc biệt từ "Thiên đường Du lịch Biển" của thành phố Hạ Long, những người chơi thuyền buồm tại Việt Nam mong muốn sẽ lan tỏa phong trào thể thao này đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Bên cạnh chuỗi các tour du lịch độc đáo cùng những tuyến sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đảo Tuần Châu - địa điểm được ví như "Thiên đường Du lịch Biển" của thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam qua hoạt động du lịch thể thao, với điểm nhấn là hoạt động thể thao thuyền buồm đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng trong nước và quốc tế.
Loại hình thể thao mới mẻ tại Việt Nam
Vào ngày 15/1/2024 tới đây, Câu lạc bộ Thuyền buồm Tuần Châu (Tuần Châu Harbour Yacht Club - THYC) sẽ tham gia Giải đua Thuyền buồm Quốc tế Royal Langkawi International Regatta (RLIR) năm 2024 tại Langkawi, Malaysia.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2003, RLIR là một trong những Giải Đua thuyền phổ biến nhất ở khu vực Đông Nam Á, mỗi năm thu hút khoảng hơn 40 Câu lạc bộ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng thi đấu và cạnh tranh cho giải thưởng cao nhất.
Trong lần đầu cùng một đội đua với toàn bộ thành viên là người Việt Nam tham dự giải đấu, anh Lê Tiến Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thuyền buồm Tuần Châu (THYC) hy vọng có thể lan tỏa phong trào đua thuyền buồm đang lan rộng ở Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế, từ đó thu hút thêm nhiều đội đua từ các quốc gia đến tham gia những giải đua thuyền cũng như trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.
"Từ năm 2015, tôi bắt đầu đưa thuyền buồm loại nhỏ về Việt Nam. Ban đầu số lượng người tìm hiểu và tham gia các khóa đào tạo về bộ môn này còn hạn chế, đa phần tập trung ở miền Bắc. Đến năm 2021, tôi cùng một người bạn đưa thêm hai chiếc thuyền buồm loại lớn về Việt Nam, mỗi chiếc chở được từ 5-6 người, giúp việc phổ biến và đào tạo người chơi được đẩy nhanh hơn," anh Dũng cho biết.
Theo chia sẻ từ anh Dũng, THYC là Câu lạc bộ thuyền buồm lớn nhất cả nước với hơn 100 thành viên cùng 10-15 thuyền buồm phục vụ cho hoạt động đào tạo và trải nghiệm thường xuyên tại Tuần Châu, Hạ Long.
"Các thuyền của THYC đều được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Loại thuyền nhỏ (dài khoảng 4m) chỉ cần một người điều khiển, trong khi loại lớn với chiều dài 7m, chiều rộng 3m và cột buồm cao 9m sẽ cần nhiều thành viên cùng vận hành: Người lái thuyền, người điều khiển buồm lên-xuống, chỉnh buồm, người dùng trọng lượng cơ thể để cân bằng thuyền... Ngoài ra, thuyền buồm cũng có khả năng di chuyển ngược chiều gió," anh Dũng cung cấp thông tin.
Bên cạnh các hoạt động đào tạo và phổ biến loại hình thể thao đến những người chơi mới, THYC cũng đã tổ chức thành công Giải đua Thuyền buồm Hạ Long Regetta vào các năm 2022 và 2023, thu hút các Câu lạc bộ từ Nha Trang, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh... cùng các đội quốc tế từ Malaysia, Đức hay Argentina…
"Hiện nay, nhu cầu trải nghiệm hoạt động thuyền buồm được chia làm hai xu hướng: Một là những người đam mê thể thao và có kinh nghiệm chơi những bộ môn vận dụng sức gió như ván dù, diều...; hai là những người yêu thiên nhiên hoặc muốn dành thời gian thư giãn với gia đình và người thân. Với lợi thế chỉ mất khoảng 1-2 giờ đồng hồ di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh, Tuần Châu trở thành điểm đến lý tưởng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thú chơi thuyền buồm của nhiều gia đình," anh Dũng nhấn mạnh.
Mong muốn lan tỏa niềm đam mê với thuyền buồm
Dù đã được các tổ chức cũng như cá nhân đẩy mạnh triển khai và nhân rộng trong suốt hơn hai năm qua, tuy nhiên theo anh Dũng, cho đến thời điểm hiện tại thì phong trào hoạt động thể thao thuyền buồm tại Việt Nam vẫn khá rời rạc.
"Kinh phí là trở ngại đầu tiên với những người đam mê môn thể thao này, bởi dù là thuyền đã qua sử dụng nhưng chi phí trung bình để nhập khẩu và vận chuyển một chiếc thuyền buồm loại lớn về Việt Nam vẫn ở mức khá cao, dao động từ 30.000-50.000 USD/chiếc. Cũng vì trở ngại này mà nhiều thành viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo cũng chưa có điều kiện để tiếp tục làm quen với những loại thuyền lớn," anh Dũng trăn trở.
Không chỉ yêu cầu sự đầu tư lớn hơn nhiều so với những môn thể thao khác, đua thuyền buồm cũng chưa được phổ biến tại Việt Nam ở khía cạnh thể thao.
"Sailing (thuyền buồm) là môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Thế Vận hội Olympic nhưng vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Đến SEA Games 32, Đội tuyển Việt Nam mới có lần đầu tiên tranh tài ở nội dung này. Tuy nhiên, đây là loại thuyền dạng nhỏ, chỉ dành cho 1-2 vận động viên thi đấu. Dù Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam đã có những nỗ lực phát triển bộ môn mới mẻ này, nhưng nhìn chung phong trào đua thuyền buồm tại Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ," chủ nhiệm Câu lạc bộ THYC nhận định.
Chia sẻ về kỳ vọng trong năm mới 2024, anh Lê Tiến Dũng cho biết định hướng của THYC là tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo và trải nghiệm nhằm phổ biến bộ môn này đến đông đảo người chơi - đặc biệt là với giới trẻ đồng thời mong muốn Nhà nước và các cơ quan quản lý sẽ có những quy định phù hợp nhằm tạo điều kiện cho đua thuyền buồm phát triển tại Việt Nam.
"Theo quy định hiện tại, các thuyền buồm từ quốc tế chỉ có thể thả neo tại bến cảng, chưa được phép tự do di chuyển trên khu vực vùng biển của Việt Nam. Đây là một sự đáng tiếc khiến các vận động viên quốc tế không có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của nước ta. Hy vọng trong tương lai, các quy định sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp, tạo điều kiện để các đội đua quốc tế có thể hoạt động trên lãnh thổ vùng biển Việt Nam, từ đó góp phần đưa Tuần Châu nói riêng và các điểm du lịch trên cả nước nói chung trở thành một sân chơi quen thuộc với bạn bè quốc tế," anh Dũng chia sẻ./.