Đình chỉ bếp ăn gây ngộ độc cho hơn 50 sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai

Ngoài mức phạt tiền hơn 83 triệu đồng, bà Thuyết phải thực hiện đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm tại căngtin Trường Cao đẳng Lào Cai trong thời hạn ba tháng.

Bác sỹ theo dõi tình trạng của bệnh nhân. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Ngày 2/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến 54 học sinh, sinh viên của Lào Cai nhập viện, mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bà Phạm Thị Thuyết kinh doanh tại căngtin Trường Cao đẳng Lào Cai, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai.

Trước đó, sau bữa ăn tối 8/10 tại căngtin Trường Cao đẳng Lào Cai, đã có 54 trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân là do nhiều thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Qua làm việc, bà Thuyết thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định xử phạt hộ kinh doanh này về 3 hành vi: chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước. Tổng số tiền xử phạt là 83,05 triệu đồng.

Ngoài mức phạt tiền nói trên, bà Thuyết còn phải thực hiện hình phạt bổ sung là đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm, thời hạn thực hiện là ba tháng kể từ ngày nhận được quyết định (ngày 31/10/2024); bà Thuyết buộc phải tiêu hủy thực phẩm gây ngộ độc; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị cho 80 người người bị ngộ độc thực phẩm.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, bà Thuyết phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Lào Cai.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa và khắc phục các sự cố về tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, bếp ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể tại các trường học trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học; kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh khu vực trường học, cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn đã ký hợp đồng với nhà trường./.