Điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang lên 4 làn xe
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô, thiết kế Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) cần được thực hiện khẩn trương, đảm bảo hiệu quả.
Sáng 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, một số bộ, ngành liên quan về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Điều chỉnh thiết kế đồng bộ, giảm thiểu phá dỡ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nhất quán việc đầu tư các tuyến cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe để bảo đảm an toàn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã quyết định bổ sung thêm nguồn vốn cho Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023.
Vì vậy, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô, thiết kế Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) cần được thực hiện khẩn trương, đảm bảo hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, một số bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, giao thẩm quyền cho hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật đối với dự án cao tốc này theo hướng quy mô toàn tuyến lên 4 làn xe, trong đó thi công hoàn chỉnh đoạn tuyến từ nút giao Quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22km) với quy mô 4 làn xe.
Đồng thời, các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường dân sinh, hầm chui, công trình ngầm...) ở đoạn tuyến có 2 làn xe phải được điều chỉnh thiết kế đồng bộ, giảm thiểu việc phá dỡ, phát sinh khối lượng thi công lớn khi mở rộng lên 4 làn xe vào giai đoạn 2.
“Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) sẽ là căn cứ sơ bộ để cân đối, phân bổ nguồn vốn Trung ương, địa phương cho dự án trong giai đoạn 2,” Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến việc bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án cao tốc này, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang lập bản đồ tiến độ; nỗ lực, đồng thuận, quyết tâm cao độ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng sức, đồng lòng, sát cánh với các nhà thầu, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Tại đây, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Hà Giang, báo cáo Quốc hội về việc cho phép được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù khi thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang giống như tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện đối với đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Không lãng phí chi phí đầu tư
Theo báo cáo trước đó, về chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 77km, trong đó xây dựng mới 69,7km với quy mô đầu tư 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã giải phóng mặt bằng được 82% với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; thi công đạt trên 12% tổng khối lượng xây lắp toàn tuyến, bảo đảm hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối với các tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của địa phương và vùng, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đối với đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Đoạn tuyến từ nút giao Quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22km) sẽ được mở rộng nền, mặt đường lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đoạn tuyến còn lại tiếp tục thực hiện theo hồ sơ dự án đã phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết phương án này sẽ giúp tỉnh phát huy ngay một phần hiệu quả đầu tư dự án khi kết nối với hai Quốc lộ 37 và 3B với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn; đồng thời đáp ứng tiến độ thông xe toàn tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã phân tích về cơ sở pháp lý, cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả kinh tế, thiết kế kỹ thuật… đối với phương án đề xuất của tỉnh Tuyên Quang, nhằm bảo đảm đúng quy định pháp luật, không lãng phí chi phí đầu tư, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.