Diễn tập xử lý tình huống cháy nổ tại sự kiện hàng chục nghìn người tham dự

Tình huống giả định là hàng chục ngàn người dự sự kiện bắn pháo hoa và lễ hội trên phố đi bộ đường Nguyễn Huệ thì bất ngờ xảy ra sự cố nổ hệ thống điện, gây cháy lan ra toàn bộ khu vực sân khấu chính.

Ngày 11/1, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi tổ chức lễ hội, sự kiện tập trung đông người tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng, công viên Bến Bạch Đằng và khu vực cầu cảng số 3 thuộc bến tàu khách Thành phố - sông Sài Gòn (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Tình huống giả định hàng chục ngàn người dự sự kiện bắn pháo hoa và lễ hội trên phố đi bộ đường Nguyễn Huệ (đoạn gần công viên Bến Bạch Đằng) chào mừng kỷ niệm ngày lễ lớn, trong đó có các lãnh đạo Đảng, nhà nước, các đoàn khách ngoại giao quốc tế và đông đảo người dân cùng dự.

Bất ngờ xảy ra sự cố nổ hệ thống điện, gây cháy lan ra toàn bộ khu vực sân khấu chính và do bức xạ nhiệt làm một số bình khí hỗn hợp nổ gây sụp đổ công trình sân khấu làm cho hàng ngàn người hoảng loạn tìm cách tháo chạy; nhiều người chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau gây thảm họa, làm thương vong hàng trăm người.

Sự cố làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông cả những khu vực lân cận và đã xảy ra va chạm giao thông giữa hai xe ôtô 4 chỗ và xe tải chở hóa chất tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng-Hàm Nghi (gần khu vực phố đi bộ).

Lực lượng phối hợp xử lý tình huống khẩn cấp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường giả định vụ cháy hai xe ôtô. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Vụ tai nạn làm hai ôtô biến dạng, 4 người bị mắc kẹt bên trong xe, nhiên liệu trên xe rò rỉ gặp nguồn nhiệt gây cháy; đồng thời cú tông mạnh đã làm xe tải chở hóa chất nổ lốp và nghiêng xe, bên trong xe tải các can nhựa chứa hóa chất bị bục vỡ...

Cùng lúc, tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn xuất bến chở theo số lượng lớn người đang vui chơi thì phát hiện cháy, nổ, dòng người hoảng loạn trên bờ tìm đường thoát nạn.

Mọi người trên tàu la hét nháo nhào; nhân viên bếp rời bỏ vị trí bếp để lại nhiều vật dụng dễ bắt cháy (dầu ăn, gia vị có chứa cồn...) và đã gây ra vụ cháy lớn làm nhiều người bị thương kẹt lại trên tàu; một số người mất bình tĩnh, rối loạn hoảng sợ thoát nạn bằng cách nhảy xuống sông.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn, các tuyến đường bộ xung quanh hiện trường bị hạn chế, các phương tiện tham gia giao thông không hoạt động được do có nhiều người bị thương và tập trung đông người; các phương tiện giao thông bị mắc kẹt dẫn đến bị cô lập hoàn toàn.

Do đó xe cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, xe cứu thương tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời giờ để phân luồng giao thông...

Lực lượng phối hợp xử lý tình huống khẩn cấp, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tàu trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ủy ban nhân Thành phố, Công an Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, huy động lực lượng cảnh sát đặc biệt tinh nhuệ với các trang thiết bị hiện đại và gần 130 phương tiện cơ giới các loại phục vụ công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Cùng lúc, các lực lượng nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực chức năng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường thủy, Quân sự, Hội Chữ thập Đỏ, Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện khu vực lân cận và lực lượng an ninh cơ sở đã đồng bộ triển khai các giải pháp phân luồng, hướng dẫn thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, khắc phục sự cố tại 3 điểm gồm: sân khấu trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, tàu trên sông Sài Gòn và vụ cháy xe tại giao lộ Tôn Đức Thắng-Hàm Nghi...

Người bị nạn được đưa ra ngoài sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện, lực lượng cảnh sát đặc biệt tinh nhuệ sử dụng robot, thiết bị hiện đại điều khiển từ xa để kiểm soát, tìm người và khống chế đám cháy...

Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đợt diễn tập là dịp để đánh giá tính năng, tác dụng, hiệu quả thực tế của các phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thông tin liên lạc và công tác hậu cần; đồng thời giúp lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực tập trung đông người chủ động ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống sự cố tai nạn, cháy nổ khi mới phát sinh.

“Đợt diễn tập không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra năng lực, phương tiện và lực lượng, mà còn hướng đến việc nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các sự kiện. Đặc biệt, trong các tình huống cháy, nổ hoặc tai nạn tại nơi đông người, việc tổ chức thoát nạn kịp thời, cứu hộ và chữa cháy hiệu quả là yếu tố quyết định, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dương Ngọc Hải chia sẻ.

Trung Tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương các đơn vị tham gia diễn tập. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm đây không chỉ là hoạt động diễn tập thường niên, mà còn là dịp để đánh giá năng lực điều hành, chỉ huy trong các tình huống khẩn cấp, khi nhiều lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp xử lý tại các khu vực trọng yếu. Đồng thời, nâng cao ý thức về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu, công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia bảo vệ tại các sự kiện, lễ hội tập trung đông người...

"Tôi tin, với tinh thần chủ động, các lực lượng từng bước bổ sung phương tiện, hoàn thiện phương án huy động, triển khai, hiệp đồng tác chiến tại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người ở các cấp độ trên địa bàn Thành phố, nhất là công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người tham gia với phương châm "4 tại chỗ," không để "bị động bất ngờ," sẵn sàng ứng phó mọi nguy cơ...," Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh./.