Diễn đàn Indonesia-châu Phi đề cập 4 nội dung quan trọng
Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã nhấn mạnh 4 điểm trong nội dung diễn đàn Indonesia-châu Phi, trong đó việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là trọng tâm đầu tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 2/9, ngày làm việc đầu tiên của Diễn đàn Indonesia-châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên (HLF MSP), các đại biểu đã thảo luận về triển vọng hợp tác khu vực và chuyển đổi kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là thúc đẩy công nghiệp hóa và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia và châu Phi, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, Bắc-Nam.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp toàn thể trong khuôn khổ hai Diễn đàn, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã khẳng định tầm quan trọng của sự kiện này.
Bà nhấn mạnh 4 điểm trong nội dung diễn đàn, trong đó việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là trọng tâm đầu tiên.
Thứ hai, tại diễn đàn Indonesia cam kết trở thành một phần của giải pháp toàn cầu, bảo vệ lợi ích của khu vực phía Nam bán cầu cũng như là "người xây dựng cầu nối" trong đấu tranh vì bình đẳng, công lý và đoàn kết nhằm đẩy nhanh đạt được SDGs.
Điều này phù hợp với các ưu tiên phát triển quốc gia và khu vực của Indonesia, bao gồm cả chương trình nghị sự châu Phi năm 2063 và được hỗ trợ bởi quan hệ đối tác nhiều bên.
Thứ ba, Indonesia khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nước, đặc biệt các nước trong khu vực châu Phi là chìa khóa của chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Theo đó, đến nay quan hệ đối tác Indonesia-châu Phi đã đạt được những kết quả thực tế, mang lại sự gia tăng lớn về khối lượng thương mại, cũng như nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết.
Tại Diễn đàn, một số quốc gia trong khu vực châu Phi đã bày tỏ mong muốn tham gia CPOPC (Ủy ban các nước sản xuất dầu cọ) và thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực này.
Thứ tư, các Diễn đàn đã nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và hợp tác Bắc-Nam trong sự hợp tác toàn cầu. Các hợp tác này có thể bổ sung cho nhau và chung tay vượt qua các thách thức toàn cầu. Diễn đàn không chỉ nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao mà còn mở ra những cơ hội mới để trao đổi kiến thức và đầu tư cùng có lợi.
Bà Amalia Adininggar Widyasanti, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết, các Diễn đàn không chỉ đề cập đến những vấn đề kinh tế mà còn bàn thảo các vấn đề về xã hội, công nghệ.
Diễn đàn đã trao cơ hội cho không chỉ các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia mà còn là dịp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm... gặp gỡ, trao đổi, tìm cơ hội hợp tác.
Bà nhấn mạnh hợp tác kinh tế và thúc đẩy kinh doanh cũng có nghĩa lớn trong việc mang lại lợi ích cho người dân./.