Điện Biên: Xuân về trên vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng
70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng xưa đã có nhiều khởi sắc, một mùa Xuân no ấm đang về với bản làng nơi đây.
Mường Phăng địa danh đã đi vào lịch sử, nơi vị Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, chọn đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
70 năm sau ngày chiến thắng, cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng xưa đã có nhiều khởi sắc. Một mùa Xuân no ấm đang về với bản làng nơi đây.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi có dịp về thăm căn cứ địa Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Rảo bước trên con đường bê tông đấu nối các thôn bản, điều ấn tượng nhất là những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái được xây dựng khang trang, sạch sẽ, nằm san sát dưới tán cây rợp bóng. Dọc theo tuyến đường vào Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, những cây mai anh đào đang bung nở rực rỡ.
Trên khắp các bản làng, tiếng chiêng, tiếng trống đang rộn ràng giục giã báo hiệu mùa Lễ hội mừng năm mới. Xúng xính trong bộ váy mới, phụ nữ đang quây quần bên nhau cùng tập điệu múa, điệu xòe chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ nhân dịp đầu Xuân mới.
Giữa bãi đất trống của bản, lũ trẻ con đang xúm nhau chơi các trò chơi cù quay, nhảy dây, ném còn. Thấp thoáng bên những ngôi nhà sàn ngói đỏ là những cành hoa mận đang bung nở trắng xóa đung đưa trước gió Xuân.
Cầm trên tay lá cờ Tổ quốc, trang hoàng cho ngôi nhà chuẩn bị đón Tết, cụ Cứ Nụ Páo (bản Lọng Háy, xã Mường Phăng) chia sẻ trước đây, người dân trong bản thường ăn Tết sớm, theo phong tục Tết của người dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, người dân bản Lọng Háy đã hòa chung không khí ăn Tết cổ truyền cùng dân tộc. Để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn, mọi người tất bật soạn sửa trang hoàng ngôi nhà bằng nhiều cờ, hoa, gói bánh chưng. Hai món thịt lợn, thịt trâu sấy khô là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Mường Phăng khi Tết đến, Xuân về.
Lật, trở những miếng thịt lợn đang được sấy khô, cụ Hù A Giàng (bản Lọng Luông 1, xã Mường Phăng) cho biết sau năm 1954, đời sống của bà con nhân dân ở các bản gặp rất nhiều khó khăn.
Bản làng khi đó thưa thớt, nằm cách xa nhau hàng giờ đồng hồ đi bộ qua những lối mòn vắt qua đồi núi. Nhiều năm sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, người dân tăng gia sản xuất, khai hoang ruộng nương, dần đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Khi đời sống no ấm hơn, người dân ở các bản làng đã bảo tồn được những giá trị văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, các làng nghề truyền thống.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết sau chặng đường 70 năm, điều nổi bật nhất và là niềm vui đối với cấp ủy, chính quyền cũng như người dân địa phương đó là vấn đề xóa đói giảm nghèo, đời sống kinh tế của bà con nhân dân trên địa bàn đã có nhiều đổi thay.
Mường Phăng hiện có hơn 1.200 hộ dân với trên 5.600 nhân khẩu thuộc cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Kinh sinh sống ở hơn 20 thôn, bản. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước thực hiện gần 11 tỷ đồng, đạt trên 99% so với dự toán giao.
Toàn xã có hơn 540ha lúa 2 vụ, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 2.968 tấn/năm. Chăn nuôi luôn duy trì ổn định, tổng đàn gia súc đạt 5.362 con và gia cầm các loại là 50.685 con, đạt 108% so với kế hoạch.
Tính đến hết năm 2023, xã Mường Phăng chỉ còn 4 hộ nghèo (giảm 13 hộ so với năm 2022) chiếm 0,04% và 3 hộ cận nghèo chiếm 0,03%. Năm 2018, xã đã về đích thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì, đến nay toàn xã đạt 18/20 bản được công nhận Bản văn hóa, đạt 90% (tăng 15% so với năm 2022); số gia đình được công nhận Gia đình văn hóa là 1.038/1.218 hộ, đạt trên 85% (tăng 5,36% so với năm 2022).
Công tác giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô trường lớp ngày càng được hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đạt 100%. Năm học 2023 - 2024, toàn xã có 1.361 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở đều đạt 100%.
Hiện, Mường Phăng đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, phá vỡ thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi: cá, gia súc, gia cầm; mở rộng diện tích, quy mô trồng các loại cây ăn quả đặc trưng vùng miền như hồng, mận, sơn tra; đẩy mạnh các loại hình du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, Homestay…để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững...
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc được chính quyền, người dân nỗ lực thực hiện.
Mường Phăng đang “vươn mình” từng bước thoát nghèo, đây còn là “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Mường Phăng được chọn để xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch nằm trong khu rừng già dưới chân của dãy núi vùng cung Pú Đồn.
Tại đây, cơ quan đầu não của Quân đội ta đã "đóng chốt" 105 ngày (từ 31/01/1954 đến 15/5/1954), đây là địa điểm "đóng chốt" thứ 3 và là địa điểm cuối cùng cho đến khi chiến dịch kết thúc, chiến thắng.
Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 70 năm với sự chung tay, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân các cộng đồng dân tộc Kinh, Thái, Mông…vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã đổi thay, có nhiều khởi sắc.
Chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Đây sẽ là sự kiện trọng đại để mỗi người dân Điện Biên nói chung và Mường Phăng nói riêng tự hào với quê hương, với truyền thống lịch sử hào hùng của đất nước, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới trước thềm Xuân mới đang về./.