Diễn biến lạ khi một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm trở lại
Dù có một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1%-0,2% ở các kỳ hạn nhưng xu hướng giảm lãi suất vẫn đang chiếm chủ đạo trong tháng này.
Trong bối cảnh lãi suất đầu vào vẫn đang được các ngân hàng công bố giảm, vẫn có một số tổ chức tín dụng rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Diễn biến này được cho là khá lạ trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác tiếp tục giảm lãi suất đầu vào.
Theo thông báo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ ngày 27/3 ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm thêm đến 0,2% tại các kỳ hạn tiền gửi mở mới cho khách hàng cá nhân.
Cụ thể, VPBank cho biết đã điều chỉnh tăng 0,1% lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (online) cho khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng từ mức 2,3%/năm lên 2,4%/năm.
Cùng với đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2-36 tháng tại ngân hàng này cũng đồng loạt tăng thêm 0,2%.
Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 2-5 tháng của khách hàng cá nhân tại ngân hàng này tăng lên mức 2,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng hưởng lãi 4,2%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng hưởng lãi 4,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng trở lên hưởng mức lãi suất 4,9%/năm.
Còn nếu khách hàng chọn gửi tiền tại quầy, lãi suất được hưởng sẽ thấp hơn 0,1% so với kênh online.
Trước đó, ngày 26/3 Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng đã công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến lên 0,15-0,25% tại các kỳ hạn 1 và 2 tháng lên mức 2,8%/năm.
Ngoài ra, SHB điều chỉnh tăng 0,1% đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 4,9%/năm. Tại kỳ hạn 13-15 tháng, SHB điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,2 điểm % lên mức 5%/năm.
Tại kỳ hạn 18 tháng, SHB điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1% lên mức 5,2%/năm. Tại các kỳ hạn tiền gửi còn lại, SHB giữ nguyên mức lãi suất.
Trước SHB, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigonbank) là 2 ngân hàng 'lội ngược dòng' tăng lãi suất tiền gửi.
Dù vậy, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang chiếm chủ đạo trong tháng này khi kể từ đầu tháng đến nay, thị trường ghi nhận có tới 25 ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất huy động, trong đó 4 ngân hàng là BaoViet Bank, GPBank, BVBank và PGBank đã 2 lần giảm.
Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các kỳ hạn hiện đang ghi nhận giảm từ 0,1%-0,2% so với cuối tháng 2/2024. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay chưa đến 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn trên 12 tháng rất ít nhà băng áp dụng mức 5%/năm.
Điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) lần lượt trong các ngày 24/3 và 25/3 vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn tiền gửi.
Theo đó, tại VIB đã đưa lãi suất huy động trực tuyến xuống còn 2,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 2 tháng còn 2,6%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,8%/năm.
Trước đó, ngân hàng này cũng đã giảm 0,1% đối với lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-36 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 15-18 tháng còn 4,8%/năm, kỳ hạn 24-36 tháng là 5%/năm.
Còn tại ACB, biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất của ngân hàng được điều chỉnh giảm 0,1% xuống còn 2,3%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng. Tương tự, lãi suất huy động cũng được giảm 0,1% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng xuống lần lượt còn 2,5% và 2,7%/năm. Mức lãi lãi suất trên áp dụng cho tài khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 6 tháng ACB lại điều chỉnh giảm 0,2% xuống còn 3,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 4,5%/năm. Lãi suất huy động tại kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1% còn 3,8%/năm.
Đối với tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, ACB cộng thêm 0,1% so với biểu lãi suất trên. Ngân hàng cộng thêm 0,15 % đối với lãi suất tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng và cộng thêm 0,2% cho lãi suất cho tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên./.