Địa phương tại Nhật Bản cho phép người nước ngoài làm công chức

Ứng viên dự thi, là công dân Nhật Bản và người nước ngoài, sẽ được sàng lọc theo cùng tiêu chuẩn và kết quả sẽ được xác định dựa trên bài kiểm tra kiến thức chung, năng khiếu, vòng thi phỏng vấn...

Thông báo mới đây của Chính quyền thị trấn Oizumi, tỉnh Gunma, Nhật Bản, cho biết sẽ loại bỏ yêu cầu về quốc tịch đối với công chức của tỉnh, theo đó công dân nước ngoài cũng có thể đảm đương công việc này.

Đây là nỗ lực của Chính quyền Oizumi thực hiện mục tiêu trở thành đô thị đầu tiên ở Gunma loại bỏ các điều kiện bắt buộc về quốc tịch đối với tất cả các loại công việc.

Thị trưởng Oizumi - Toshiaki Murayama, hy vọng việc tuyển dụng người nước ngoài sẽ giúp thị trấn giải quyết “các vấn đề liên quan đến rào cản ngôn ngữ," cũng như giúp thế hệ người nước ngoài sinh ra ở thị trấn có thêm cơ hội việc làm.

Tiêu chí quốc tịch sẽ bị loại bỏ bắt đầu từ đợt tuyển dụng vào tháng 4/2025 và người dự thi phải có giấy phép vĩnh trú tại Nhật Bản.

Ứng viên dự thi, là công dân Nhật Bản và người nước ngoài, sẽ được sàng lọc theo cùng tiêu chuẩn và kết quả sẽ được xác định dựa trên bài kiểm tra kiến thức chung, năng khiếu, vòng thi phỏng vấn, viết luận và các yếu tố khác.

Kỳ thi vào các vị trí công chức tại Oizumi có tỷ lệ cạnh tranh cao khá cao. Năm 2020, tỷ lệ cạnh tranh là 1/12,9, năm 2021 và 2022 lần lượt là 1/9,8 và 1/14.

Tuy nhiên, ngay cả khi được tuyển dụng, địa phương cũng đặt ra một số hạn chế với người nước ngoài như không được giữ các vị trí quản lý cấp cao, bao gồm cả quản lý cấp cơ sở của thị trấn và không thể tham gia vào việc phát triển các chính sách cơ bản.

Công chức không phải người Nhật cũng không có quyền áp thuế, tịch thu tài sản của người trốn thuế, quyết định quy hoạch đô thị, thu hồi đất, tiến hành kiểm tra tại chỗ hoặc thực hiện các nhiệm vụ tương tự.

Hiện cư dân nước ngoài tại Oizumi là khoảng 8.300 người - chiếm 20% trong tổng số 41.500 cư dân của thị trấn, bao gồm người Brazil, Peru và Việt Nam.

Tỉnh Gunma - nơi có khoảng 12.000 người Việt Nam đang sinh sống làm việc cũng đã loại bỏ điều kiện bắt buộc về quốc tịch đối với một số ngành nghề, bao gồm y tá và chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ./.