Dị vật vùng tai mũi họng: Làm gì để tránh những biến chứng nguy hiểm?

Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, dị vật tai mũi họng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như ngạt thở cấp, ápxe thành họng, hạ họng, viêm xoang, thủng màng nhĩ, thậm chí đe dọa tính mạng.

Một bệnh nhân bị hóc xương cá nhưng phải phẫu thuật mở cổ để lấy dị vật. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nuốt phải xương cá trong khi ăn, chị N.T.H (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thấy khó chịu ở vùng cổ. Nghe người thân chỉ cách nuốt cơm để trị hóc xương cá, chị nuốt thêm vài miếng cơm thì thấy tức ngực. Đến chiều cùng ngày, cảm thấy cơn đau không giảm nên đến viện đi khám.

Tại thời điểm cấp cứu, các bác sỹ nhận định đây là trường hợp dị vật sắc nhọn xuyên thành thực quản, làm thủng động mạch chủ ngực phức tạp, phải hội chẩn toàn viện để phẫu thuật.

Dựa trên chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ lần tìm và bộc lộ đoạn động mạch chủ ngực bị xương cá xuyên thủng đã tạo một túi giả phình (do vết thủng làm máu rò rỉ ra và đóng lại ở các mô xung quanh).

Sau đó, các bác sỹ đã phẫu thuật gắp xương cá có chiều dài khoảng 3cm, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 0,6cm ra ngoài.

Các bác sỹ cảnh báo việc một dị vật có cạnh sắc nhọn rời khỏi thực quản, mang theo vi khuẩn, đâm thủng động mạch chủ ngực và đang di chuyển tự do trong khu vực trung thất là cực kỳ nguy hiểm vì đây là khu vực chứa hầu hết các cơ quan và mạch máu quan trọng của cơ thể.

Người bệnh có thể tử vong vì thủng động mạch chủ gây mất máu hoặc viêm, áp xe trung thất do vi khuẩn, dịch tiêu hóa thoát vào trung thất.

[TP.HCM: Liên tục tiếp nhận nhiều ca dị vật vùng tai mũi họng]

Cũng là một trường hợp bị dị vật vùng tai mũi họng, mới đây, bé trai B.M.N (5 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trong tình trạng mũi trái rỉ máu liên tục. Gia đình cho biết 3 ngày trước mũi của bé trai bắt đầu chảy máu và tái đi tái lại nhiều lần. Do không biết nguyên nhân nên gia đình chỉ nhét giấy vào mũi để cầm máu.

Sau khi nhập viện, qua nội soi các bác sỹ phát hiện mũi trái bé trai có một dị vật hình trụ tròn, nghi ngờ là viên pin điện tử.

Các bác sỹ đã tiến hành nội soi lấy cục pin điện tử ra khỏi mũi của cháu bé, đồng thời xử lý sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, dù đã được lấy dị vật nhưng bé trai đã bị thủng vách ngăn mũi, không thể phục hồi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thông khí, dễ gây nên tình trạng viêm mũi xoang sau này của bé.

Thống kê trong khoảng 5 năm trở lại đây, có 65 trường hợp trẻ em bị dị vật là pin điện tử trong mũi đến điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có trường hợp trẻ tự nhét pin vào mũi cũng có trường hợp bị bạn cùng lớp đùa nghịch nhét pin vào mũi.

“Pin điện tử có chứa hóa chất nên khi lọt vào cơ thể lâu ngày có thể gây loét niêm mạc, hoại tử. Do đó, trong trường hợp nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi thì nên đưa đến các bệnh viện để được xử trí kịp thời. Nếu không may pin điện tử lọt vào thực quản, khí quản thì càng nguy hiểm hơn,” bác sỹ Lê Trần Quang Minh khuyến cáo.

Dị vật vùng tai mũi họng là gì?

Các cơ quan tai mũi họng là các hốc rỗng vùng đầu mặt cổ, đặc biệt vùng hầu họng là ngã tư đường ăn, đường thở. Dị vật tai mũi họng là những tai nạn sinh hoạt, thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.

Tai nạn này gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi và người rối loạn tâm thần. Đây là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng.

Dị vật hạt vú sữa được gắp ra từ phổi một bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông thường, các trường hợp dị vật vùng tai mũi họng được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám, có trường hợp được lấy bỏ dễ dàng, không để lại biến chứng như dị vật tai, dị vật mũi. Tuy nhiên, có những trường hợp phải được xử trí cấp cứu, thậm chí là cấp cứu khẩn cấp.

Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, dị vật tai mũi họng có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng: ngạt thở cấp (hay gặp trong dị vật đường thở), ápxe thành họng, hạ họng (hay gặp trong dị vật tại họng, hạ họng), ápxe thực quản (gặp trong dị vật thực quản), viêm xoang (gặp trong dị vật tại hốc mũi), thủng màng nhĩ đối với dị vật tai.

Dị vật ở tai

Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Ống tai ngoài được cấu tạo bởi ống tai sụn ở ngoài và ống tai xương ở trong. Phần tiếp nối giữa ống tai ngoài và ống tai xương rất hẹp.

Dị vật thường bị kẹt ở vị trí này, gây khó khăn cho việc lấy. Những hành động cố gắng lấy dị vật của cha mẹ trẻ có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dễ gây tổn thương màng nhĩ.

Những dị vật thường gặp là hạt cườm, đồ chơi, côn trùng sống. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì khó chịu. Trẻ em thường được khám và phát hiện tình cờ.

Những cách lấy dị vật thường được áp dụng như bơm rửa bằng nước, dùng kẹp gắp, dụng cụ có móc để kéo dị vật, ống hút. Đặc biệt, dị vật côn trùng sống có thể sơ cứu bằng nhỏ nước muối hoặc nước sạch vào tai, nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng có thể tự bò ra ngoài, đối với cơ sở y tế nên giết chết côn trùng trước khi lấy ra bằng lidocain 2%.

Dị vật ở mũi

Mũi gồm 2 hốc mũi được chia cách bởi vách ngăn ở giữa. Mỗi hốc mũi có các cuốn mũi và khe mũi dưới, giữa, trên.

Dị vật ở mũi là bệnh thường gặp ở trẻ em với biểu hiện chảy mũi một bên và có mùi hôi. Dị vật mũi có thể là: hạt cườm, mảnh đồ chơi, sỏi, nến, đồ ăn, cục pin. Chúng thường nằm ở vị trí sàn mũi.

Trước khi lấy dị vật cần nhỏ thuốc để giảm phù nề, tê tại chỗ. Nếu dị vật là cục pin thì cần phải được lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt vì pin bị phân hủy bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

Lưu ý trong khi cố gắng lấy dị vật có nguy cơ đẩy dị vật từ mũi vào trong, rớt xuống họng tạo ra dị vật đường thở rất nguy hiểm.

Dị vật ở họng

Cấu trúc họng gồm nhiều khe, rãnh, hố nên dị vật dễ rơi vào các vị trí như cắm vào amydal, rơi vào hố lưỡi thanh thiệt, xoang lê 2 bên. Dị vật hay gặp nhất do thức ăn có xương, nhai nuốt vội dẫn đến hóc xương cá, xương gà, trẻ em cho đồ chơi vào miệng.

Triệu chứng nổi bật nhất khi mắc dị vật ở họng là nuốt vướng, đau. Khi bị dị vật ở họng không nên dùng ngón tay móc họng vì dễ gây tổn thương niêm mạc, đẩy dị vật sâu hoặc gãy đầu ngoài dị vật khiến việc tìm dị vật càng khó khăn hơn. Do đó, khi bị mắc dị vật trong họng, bệnh nhân nên đến ngay cở sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được lấy dị vật ra càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây nên tình trạng dị vật họng

- Do nhai không kỹ thức ăn, nuốt vội, ăn khi cười đùa,… khiến thức ăn chưa được nghiền nhỏ đã bị nuốt xuống, gây nghẹn ở họng.

- Do cách chế biến đồ ăn: thức ăn mềm lẫn các mảnh xương văm, ăn dễ nuốt bị hóc.

- Do vô tình nuốt phải các dị vật ngậm trong miệng (thường xảy ra với trẻ em và người già, các đối tượng không có/không đủ răng).

Biểu hiện thường thấy khi bị mắc dị vật vùng họng

Tình trạng mắc dị vật trong họng thường dễ nhận thấy với cảm giác nghẹn ở cổ, không thể nuốt trôi, cũng không thể đẩy dị vật ra theo đường miệng. Bên cạnh đó, mắc dị vật thường khiến họng bị đau, thậm chí đau dữ dội nếu như dị vật là vật sắc nhọn hoặc kích thước quá lớn. Rất nhiều trường hợp còn có biểu hiện đỏ bừng mặt, ho liên tục, thậm chí là thở rít, khan tiếng.

Bác sỹ soi tai mũi họng cho trẻ để tìm dị vật. (Nguồn: Vietnam+)

Với trẻ em, cha mẹ cần hết sức chú ý các biểu hiện khi ăn uống của trẻ. Bởi, trẻ chưa biết nói, rất khó xác định kịp thời tình trạng bị mắc dị vật của trẻ. Trong khi đó, cha mẹ cũng có thể hiểu lầm và dự đoán sai tình trạng trẻ đang gặp phải.

Ở trẻ em, khi bị mắc dị vật họng, trẻ thường quấy khóc, chảy nước miếng, ho, trớ liên tục. Nếu dị vật nằm ở khu vực hạ họng, trẻ có thể biểu hiện mặt mày tím tái, khó thở, nghẹn thở, hít sặc. Khi đó, các bác sỹ sẽ phối hợp với cha mẹ để chẩn đoán đúng và có cách điều trị phù hợp cho bé.

Những sai lầm thường thấy khi xử lý tình trạng dị vật họng

Họng mắc vật là tình trạng rất dễ bắt gặp trong đời sống. Rất nhiều người cho rằng mắc dị vật họng là vấn đề nhỏ, có thể tự giải quyết. Thực tế, một số trường hợp không cần sự tác động của y tế cũng đã giải quyết được vấn đề này. Đó là khi xác định được hình dạng, kích thước dị vật.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế. Bởi nếu không cẩn thận có thể gặp nhiều hệ lụy nguy hiểm như viêm nhiễm tại chỗ, áp xe, phù nề,…

Dưới đây là những sai lầm phổ biến trong việc chữa dị vật họng thường gặp:

- Tự móc dị vật bằng tay hoặc bằng vật cứng nào đó.

- Uống nước hoặc cố nuốt cơm, hoa quả, đồ ăn để dị vật trôi xuống.

- Lấy tay vuốt xuôi lưng hoặc ngực xuống, nhằm mong dị vật trôi xuống bụng.

Các bác sỹ khuyến cáo, các cách trên thực sự nguy hiểm, bởi chúng không đảm bảo an toàn cho cá nhân người bị mắc dị vật. Không những thế, chúng còn khiến nguy cơ dị vật lún sâu vào phổi hoặc các cơ quan khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần nâng cao cảnh giác, thăm khám phù hợp để được giải quyết tình trạng này khoa học, an toàn nhất.

Điều trị y khoa

Thăm khám, chụp X-quang để phát hiện vật lạ trong khu vực cổ là điều cần thiết cho người bệnh. Đây cũng là điều cần thiết để các bác sĩ chẩn đoán, xác định vị trí dị vật và có phương pháp điều trị phù hợp.

Gắp vật lạ vùng họng được tiến hành với các quy trình sau:

- Gây mê, gây tê/tiền mê cho người bệnh.

- Nội soi, gắp dị vật.

- Dùng kháng sinh, giảm đau sau quá trình loại bỏ dị vật

- Theo dõi người bệnh, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng, biến chứng.

Phòng tránh dị vật cần ăn uống đúng cách

- Cẩn thận với việc ăn uống thức ăn có xương hoặc lẫn xương. Nên loại bỏ xương và kiểm tra kỹ trước khi đưa thức ăn vào miệng. Điều này sẽ tránh tình trạng hóc xương, xương chắn ngang đường tiêu hóa.

- Tránh việc cười đùa nói chuyện, nhai không kỹ khi ăn. Thêm nữa, hãy hạn chế tình trạng vừa ăn, vừa uống. Việc này khiến tình trạng nhai của bạn hạn chế hơn, dễ gây tình trạng nghẹn, hóc dị vật.

- Không ép trẻ ăn, nhất là khi trẻ đang khóc hoặc cười đùa.

- Coi sóc trẻ cẩn thận, không để trẻ ngậm các vật nhỏ trong miệng. Nên chăm chút bữa ăn cho trẻ với các món ăn phù hợp với tình trạng răng và sức khỏe bao tử của trẻ.

- Cẩn trọng trong ăn uống của người già đang sử dụng răng giả.

Ngoài ra, khi gặp tình trạng vật trong vùng họng, hãy thăm khám tại chuyên khoa tai mũi họng. Cần tiến hành can thiệp kịp thời khi cần thiết. Tránh tình trạng chưa thăm khám đã tự điều trị, gây nhiều nguy hiểm không lường trước cho sức khỏe.

Dị vật họng có thể giải quyết nhanh, điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, cũng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe nếu không biết xử trí đúng cách.

Khi nghi ngờ dị vật, cần thăm khám, thực hiện điều trị theo phương pháp chuẩn y khoa. Đây cũng là cách tối ưu giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho sức khỏe của bản thân./.

(Vietnam+)