Di tích Điện Biên Phủ hôm nay – giá trị trường tồn cho mãi mai sau

"Chiến tranh đã lùi xa 70 năm nhưng di tích Điện Biên sẽ mãi nhắc nhở chúng ta về niềm tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm sống xứng đáng với những hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha ông."

Đồi A1 rực lửa trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Đứng lặng giữa đỉnh đồi A1, nhìn dòng chữ đỏ rực “bùn, máu và hoa”, ông Nguyễn Xuân Đồng (tỉnh Bắc Giang) cố kìm nén nhưng cũng không thể cầm được những giọt nước mắt cứ rơi lặng lẽ.

Đây là lần thứ hai ông Đồng trở lại Điện Biên, sau 15 năm. “Thành phố Điện Biên Phủ nay đã thay da đổi thịt nhưng những di tích sẽ còn mãi như những chứng nhân lịch sử để nhắc nhở muôn đời con cháu mai sau về giá trị của hòa bình, về sự hy sinh anh dũng của cha ông. Hai người chú của tôi cũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây…” ông Đồng xúc động nói.

Nối tiếp những thế hệ đi trước, ông Đồng cũng lên đường ra trận trong cuộc trường chinh 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

“Tôi đến đây để ghi nhớ công lao của những người đi trước. Không có những thế hệ anh hùng đã sẵn sàng hy sinh thì đất nước chúng ta không được như hôm nay. Tôi là thế hệ đi sau tiếp nối và tôi mong các thế hệ con cháu mai sau sẽ mãi duy trì được truyền thống cách mạng ấy,” ông Đồng chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Nông (bên phải) và ông Lê Nam Tiến bên hố bộc phá đồi A1. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cũng là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ, từng để lại một mảnh sọ nơi chiến trường và đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Đỗ Văn Nông (phường Cửa Nam, thành phố Vinh) vẫn quyết tâm phải đến Điện Biên Phủ một lần, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Đứng cạnh hố bộc phá nơi quân ta đã “khoét núi, ngủ hầm” đào thẳng vào lòng đồi A1, đặt quả bộc phá gần 1.000kg thuốc nổ làm rung chuyển cả Điện Biên, khiến kẻ thù khiếp nhược, ông Nông nghẹn ngào: “Nhìn thấy đây những lô cốt, hầm hào, hố bom, biết rằng ông cha đã đổ quá nhiều xương máu để có được cuộc sống hôm nay. Di tích này mình phải nối tiếp thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn, là những chứng tích để giáo dục cho không chỉ hôm nay, mai sau mà mãi mãi muôn đời, để nhắc nhở chúng ta về giá trị của hai chữ hòa bình, để ghi nhớ công ơn của cha ông, phấn đấu xây dựng đất nước mình ngày một tốt đẹp, dân tộc mình no ấm, ai cũng được theo đuổi ước mơ.” Người cựu chiến binh già nói rồi vội vã quay đi khi hai mắt đã đỏ hoe vì xúc động.

Các cựu chiến binh đoàn tàu 0 số Hải Phòng mang lá cờ phất cao trên đỉnh đồi A1. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cũng có mặt ở Điện Biên trong những ngày cả nước sục sôi chào mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc, ông Nguyễn Văn Khánh cùng các cựu chiến binh đoàn tàu 0 số Hải Phòng đã mang theo cả lá cờ của hội phất cao trên đỉnh đồi A1 thiêng liêng. “Vô cùng xúc động và biết ơn từ tận trái tim, đó là cảm xúc của bất cứ ai khi đến đây,” ông Khánh chia sẻ.

Đã được học, được xem trên sách báo, tivi rất nhiều nhưng ông Phạm Đức Chính, nguyên cán bộ Công an thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hội thơ Đường luật tỉnh Hải Phòng bảo đây là lần đầu tiên ông được đặt chân lên mảnh đất Điện Biên anh hùng.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác hồ kính yêu, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nên một trang sử ngời sáng trong thiên niên sử chống ngoại xâm của đất nước Việt Nam ta, góp phần thay đổi lịch sử thế giới hiện đại thế kỷ 20. Những di tích này sẽ mãi trường tồn, là bài học về lòng yêu nước và nhắc nhở thế hệ mai sau về trách nhiệm dựng xây Tổ quốc sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã căn dặn,” ông Chính nói.

Ông Phạm Đức Chính xúc động khi lần đầu tiên đến với di tích Điện Biên. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cũng lần đầu tiên đến Điện Biên, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) đứng lặng giữa Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ. Hàng bia khắc ghi dày đặc những cái tên, nhưng ngoài kia là hàng dãy những ngôi mộ vô danh… “Những người chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh vì dân tộc nhưng không thể xác định được danh tính và mãi nằm lại nơi đây… Chiến tranh đã lùi xa 70 năm nhưng những di tích sẽ mãi nhắc nhở chúng ta về niềm tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm sống xứng đáng với những hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha ông,” chị Tâm xúc động nói, nước mắt rưng rưng.

Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, trong đó các điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan như Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hầm Đờ-cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu đến nay, lượng du khách đến Điện Biên tăng vọt. Chỉ tính riêng trong tháng 1 và tháng 2, lượng du khách đến Điện Biên đã đạt 230.000 lượt, doanh thu từ du lịch khoảng hơn 400 tỷ đồng.

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Điện Biên đón 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 35.000 lượt khách du lịch có lưu trú (tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 330 tỷ đồng. Điểm du lịch Đồi A1 luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên ước tính dịp kỷ niệm này, mỗi ngày thành phố Điện Biên Phủ đón khoảng 5.000 du khách, có những ngày cao điểm lượng khách tăng gấp đôi. Để phục vụ lượng du khách tăng đột biến, bên cạnh hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, Điện Biên đã kêu gọi, thống kê những nhà dân có đủ điều kiện tổ chức hỗ trợ cho khách du lịch lưu trú./.