Đề nghị Đại học San Francisco đẩy mạnh hợp tác giáo dục với Việt Nam
Thủ tướng đề nghị Đại học San Francisco đi đầu trong xu thế hợp tác giữa hai nước về giáo dục đào tạo, xác định Việt Nam là 1 trọng điểm hợp tác, cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 18/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và nói chuyện tại Đại học Tổng hợp San Francisco (USF).
Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được thiết lập giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục vừa phù hợp với ưu tiên của Việt Nam, vừa phù hợp xu thế thời đại, vừa phù hợp với định hướng hợp tác của Hoa Kỳ với Việt Nam.
USF là trường đại học tư thục Công giáo ở San Francisco, được thành lập từ năm 1855, trường đại học đầu tiên ở San Francisco và là trường đại học lâu đời thứ hai ở California, nằm trong hệ thống các trường đại học quốc gia của Hoa Kỳ.
USF có 5 trường trực thuộc, bao gồm Trường Nghệ thuật và Khoa học, Trường Giáo dục, Trường Luật, Trường Quản lý, Trường Điều dưỡng và Y tế.
Hiện nay, USF có hơn 80 chương trình đào tạo đại học về nghệ thuật và khoa học, kinh doanh, điều dưỡng và y tế và hơn 60 chương trình sau đại học.
[Thủ tướng tới Hoa Kỳ dự Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc]
Chia sẻ với Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam, cha Paul J. Fitzgerald, S.J., Hiệu trưởng thứ 28 của Đại học San Francisco, cho biết sinh viên USF đến từ 50 tiểu bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ và 111 quốc gia. USF có hơn 117.000 cựu sinh viên sống ở Hoa Kỳ và 139 quốc gia.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng sinh viên Việt Nam đứng thứ 3 trong số các sinh viên quốc tế của trường, với khoảng 80 sinh viên (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Hiệu trưởng Paul J. Fitzgerald đánh giá các sinh viên Việt Nam đều rất thông minh và chăm chỉ.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp gỡ với các cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên của nhà trường; đánh giá cao những thành tựu mà Đại học USF đạt được; cho biết chuyến công tác lần này của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam-Hoa Kỳ đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023) và vừa nâng cấp lên khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng thống Joe Biden vừa qua.
Theo Thủ tướng, Tuyên bố Chung của Lãnh đạo hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đã nhấn mạnh hợp tác giáo dục-đào tạo là một trong những trọng tâm của quan hệ song phương, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.
Về phần mình, Việt Nam xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu với chủ trương thúc đẩy học tập suốt đời; đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Trong tổng thể quan hệ song phương, quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ về giáo dục trong những năm qua chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có đóng góp của Đại học USF.
Hiện có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và của Hoa Kỳ.
Nhấn mạnh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy,” Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm, mở rộng các cơ hội hợp tác phát triển với các cơ sở giáo dục, đào tạo của Hoa Kỳ, trong đó có Đại học San Francisco với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời và danh tiếng trên toàn thế giới.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa Đại học San Fransisco và Việt Nam sẽ tiếp nối, phát huy những thành tựu đã đạt được, ngày càng phát triển hơn nữa, với các hình thức đa dạng hơn, sâu rộng, hiệu quả và thực chất hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị Đại học USF đi đầu trong xu thế hợp tác giữa hai nước về giáo dục đào tạo, xác định Việt Nam là một trọng điểm hợp tác, cung cấp nhiều hơn nữa học bổng cho sinh viên Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam - một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Trên cơ sở khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được thiết lập giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, những nội dung cụ thể trong hợp tác giáo dục-đào tạo đã được Lãnh đạo cấp cao 2 nước nhất trí, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục vừa phù hợp với ưu tiên của Việt Nam, vừa phù hợp xu thế thời đại, vừa phù hợp với định hướng hợp tác của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Chúc mừng các sinh viên đến từ Việt Nam đang được hưởng những điều kiện giáo dục rất tốt, Thủ tướng mong các em phát huy tinh thần hiếu học, yêu nước, tự hào dân tộc, nỗ lực học tập, rèn luyện đạt kết quả cao, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa nền tảng, vừa phát huy khát vọng khám phá với tư duy hiện đại, làm chủ những kiến thức và công nghệ mới, khẳng định người Việt Nam không thua kém trong bất cứ lĩnh vực nào so với thế giới; phát huy vai trò cầu nối và lực lượng lao động có trình độ cao, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và của Hoa Kỳ, cho quan hệ giữa hai nước.
Liên quan tới chia sẻ của ngài Hiệu trưởng về những đóng góp của các tôn giáo trong lịch sử Việt Nam, trong đó có quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, Thủ tướng tán thành và chia sẻ thêm rằng các tôn giáo đã có đóng góp to lớn trong quá trình hình thành nền văn hóa Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng nhắc lại ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, khẳng định quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Thủ tướng nhấn mạnh là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật, các tổ chức tôn giáo hợp pháp với các tín đồ ở Việt Nam được tạo điều kiện hoạt động thuận lợi.
Thủ tướng chia sẻ: “Nếu có ai đó chưa hiểu về Việt Nam, về chính sách dân tộc và tôn giáo của Việt Nam thì nhân đây, tôi nhờ các giáo viên và sinh viên của Đại học USF nói cho họ rõ. Chúng tôi cũng sẵn sàng mời mọi người vào thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến thực tế thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo tại Việt Nam; trăm nghe không bằng một thấy.”
Nhắc lại câu ca dao của người Việt “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn,” Thủ tướng một lần nữa khẳng định chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Việt Nam.
Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các sinh viên USF; khẳng định Đảng, Nhà nước tôn trọng sự lựa chọn của các sinh viên về học tập và công việc, song bất cứ khi nào các em cảm thấy có thể về nước, đóng góp tốt nhất cho đất nước thì các em đều được chào đón.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Hiện, các cơ quan cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách, quy định mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn về vấn đề này./.