Đề cao việc lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm và tính kế thừa
Ông Bùi Thanh Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm là cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác nhân sự cho mỗi kỳ Đại hội của Đảng được xác định là vô cùng quan trọng, mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của đất nước.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV vừa qua đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bài phát biểu giàu tính lý luận nhưng lấy đời sống thực tiễn để chứng minh nên có sức thuyết phục cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ và đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn giới thiệu, lựa chọn, bầu cử cán bộ phải lựa chọn người dám nghĩ, dám làm; trong cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần chú ý bảo đảm tỷ lệ hợp lý...
Lựa chọn cán bộ “dám nghĩ, dám làm”
Từ trước tới nay, Đảng ta luôn khuyến khích, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ.
Trong bài phát biểu về công tác nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến tiêu chuẩn chung của cán bộ và đặc biệt chú trọng các vấn đề sau: “Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia-dân tộc.
Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động."
Theo ông Bùi Thanh Toàn, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua bài phát biểu này chính là sự cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chính nhờ có sự đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với trước đây như Tổng Bí thư đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Năm 2024-2025, Tỉnh ủy Phú Yên triển khai thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là đợt sinh hoạt chính trị được triển khai sâu rộng đến tất cả các tổ chức Đảng trong tỉnh; cũng là một bước chuẩn bị cho công tác nhân sự hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Các tổ chức Đảng toàn tỉnh quán triệt sâu sắc hơn Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 29/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về việc triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, kỳ vọng Trung ương sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài; đặc biệt là hoàn thiện chế độ, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Bùi Thanh Toàn cho biết các nội dung quan trọng trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự sẽ tiếp tục được triển khai học tập, quán triệt thông qua các đợt sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Với truyền thống cách mạng quý báu của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày hôm nay sẽ ra sức cống hiến tài năng, trí tuệ của mình vì quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đảm bảo tính kế thừa
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đại hội XIV “cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.”
Là người có nhiều kinh nghiệm trong mảng thông tin về công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, nhà báo Hoàng Chương, nguyên Trưởng Phòng Nội chính-xây dựng Đảng, Báo Phú Yên cho rằng bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới rất sát đúng với thực tế hiện nay. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược cho đất nước cần phải có sự truyền nối giữa “lớp cha trước, lớp con sau” và bắt kịp được xu thế phát triển mới của thế giới.
Cũng theo Nhà báo Hoàng Chương, nhận thức được vai trò quan trọng của công tác cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về công tác cán bộ và được luật hóa thành các quy phạm pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, công tác cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp tuyển chọn cán bộ; từng bước góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.
Gần đây, ngày càng có nhiều cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị quá trình rèn giũa cả về lý luận, thực tiễn công tác cho đội ngũ cán bộ kế cận.
Bên cạnh sự định hướng, dìu dắt của Đảng, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của đất nước ở nhiệm kỳ mới phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu./.