Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Australia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn CSIRO hỗ trợ Việt Nam trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 8/3, (giờ địa phương), tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO).
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và phía Australia có Bộ trưởng hỗ trợ đối ngoại Tim Watts.
CSIRO là cơ quan khoa học của Australia được thành lập vào năm 1916; một trong những tổ chức khoa học công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp Australia và các văn phòng đại diện tại Mỹ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam.
CSIRO có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam.
Hai bên đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức nghiên cứu Việt Nam và Australia, trong các lĩnh vực mà CSIRO có thế mạnh gồm Nông nghiệp và Thực phẩm, Y tế và An ninh sinh học, Năng lượng, Tài nguyên đất và nước, Công nghệ chế tạo, Thăm dò khoáng sản, Khoa học đại dương và khí quyển, Công nghệ thông tin và Dữ liệu.
Trong đó có các chương trình hợp tác khoa học công nghệ tiêu biểu như chương trình phát triển bền vững ngành sản xuất tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long; chấm dứt rác thải nhựa; công nghệ quan sát bằng vệ tinh; chương trình nghiên cứu y tế phục vụ chữa trị ung thư.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo CSIRO, Bộ trưởng hỗ trợ đối ngoại Tim Watts cho biết với việc Việt Nam-Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, xác định các chương trình hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ hai nước, Chính phủ Australia cam kết tăng cường kết nối hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước bằng các dự án cụ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ vui mừng về Chương trình Đổi mới sáng tạo của Australia, trong đó CSIRO trực tiếp quản lý chương trình này, tăng cường hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực thuỷ sản, trồng trọt, các ngành sản xuất hiện đại hoá trên cơ sở thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, mang lại cơ hội cho người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết các mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam đều gắn với chuyển đổi xanh. Các hợp tác giữa CSIRO với Việt Nam giúp giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang đối mặt.
Thời gian tới, Việt Nam tập trung hợp tác vào chuẩn hóa trong lĩnh vực nông sản, nhất là cá tra và tôm mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới, gắn ngành này với xu thế của thế giới là ít phát thải và chuyển đổi Xanh; mong muống CSIRO hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng chứng kiến các kết quả hợp tác giữa CSIRO và Việt Nam; chúc mừng CSIRO đã có nhiều nghiên cứu có giá trị cao, đóng góp cho Australia nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt CSIRO đang đi đúng hướng phát triển trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng xu thế hiện nay của thời đại là phát triển; về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh; tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng; tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. “Với thế giới hội nhập hiện nay, những nơi chiến tranh, xung đột, căng thẳng không chỉ những nơi đó bị ảnh hưởng mà cả những nơi hoà bình như Australia hay Việt Nam cũng bị tác động,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bàn về các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số…, Thủ tướng cho biết đây đều là những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân nên tất cả các nước và mọi người dân phải chung tay giải quyết, trong đó có Australia và Việt Nam; việc hợp tác nghiên cứu không những cho Australia, cho Việt Nam mà còn góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.
Theo Thủ tướng, sau hơn 50 năm thiết lập ngoại giao, 15 năm quan hệ Đối tác Toàn diện, 6 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, và nay là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện - mức quan hệ ngoại giao cao nhất trên thế giới; quan hệ Việt Nam-Australia đang phát triển rất tốt đẹp.
“Trong 6 điểm hơn của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia có nội dung thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh mạnh mẽ hơn,” Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương Việt Nam thúc đẩy hợp tác với CSIRO phải có được các “sản phẩm cụ thể; nhấn mạnh hợp tác trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giữa Việt Nam-Australia là không có giới hạn, do đó hai bên cần xây dựng các dự án tranh thủ gói tài trợ 2 tỷ USD (cho các nước ASEAN) và gói 220 triệu USD trên nền tảng đã có để triển khai các dự án, chương trình thiết thực, cụ thể.
“Chúng ta phải hướng nguồn vốn tài trợ vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong quá trình hợp tác, có những vấn đề thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn. Do đó, cả hai bên cùng nỗ lực để thành công nhiều hơn thất bại, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, vướng mắc. Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, ưu tiên, chỉ đạo, điều hành để việc triển khai các chương trình hợp tác được thuận lợi, hiệu quả.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Tổng Giám đốc CSIRO Doug Hilton trap thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo./.