Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các địa phương Việt Nam và vùng Hauts-de-France
Từ ngày 13-16/4, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng Hauts-de-France, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, từ ngày 13-16/4, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng Hauts-de-France, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh quan hệ Việt - Pháp vừa được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong buổi làm việc với ông Bertrand Gaume, Tỉnh trưởng vùng Hauts-de-France, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao vai trò quan trọng của vùng trong chiến lược tăng cường quan hệ kinh tế Việt - Pháp.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu và nhấn mạnh Hauts-de-France là một vùng có hợp tác truyền thống với Việt Nam và có nhiều tiềm năng kinh tế, thương mại, đầu tư rất quan trọng.
Chuyến thăm nằm trong chương trình tăng cường quan hệ trên lĩnh vực hợp tác kinh tế cũng như các lĩnh vực khác với các địa phương và các trung tâm kinh tế của nước Pháp, tiếp nối chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Ông Bertrand Gaume khẳng định mối quan hệ Việt-Pháp có nền tảng lịch sử phong phú, và tại vùng Hauts-de-France, điều này được thể hiện qua hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục đại học.
Ông nhấn mạnh cuộc trao đổi này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Việt Nam trong vài tháng tới.
Bên cạnh việc trao đổi về tiềm năng hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam và vùng Hauts-de-France, hai bên cũng thảo luận về vấn đề di cư, với cam kết tăng cường hợp tác để quản lý hiệu quả dòng di cư giữa hai nước.
Tại trụ sở chính quyền vùng Hauts-de-France, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng các thành viên đoàn công tác đã tham dự buổi thảo luận trọng điểm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và vùng.
Ông Luc Doublet, Chủ tịch Nord France Invest - cơ quan chuyên trách về đầu tư nước ngoài của vùng, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác hai chiều và bày tỏ mong muốn được đón các doanh nghiệp Việt Nam tới địa phương và ngược lại.
Ông khẳng định: "Chúng tôi tin rằng mọi sự trao đổi đều mang lại lợi ích cho cả đôi bên - Việt Nam có thể hướng đến Pháp và Pháp có thể hướng đến Việt Nam."
Về phần mình, ông Yan Pitollet, Tổng Giám đốc Nord France Invest, đã giới thiệu các thế mạnh của vùng Hauts-de-France, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm châu Âu, chi phí nhân công thấp hơn 30% so với các thành phố khác của Pháp, và các ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, pin điện, nông nghiệp-thực phẩm, đường sắt và logistics.
Bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp của vùng Hauts-de-France và các đối tác Việt Nam, đồng thời chỉ ra những cơ hội có thể đẩy mạnh hợp tác song phương như thiết lập các cơ sở đại diện của mỗi bên, cùng đầu tư vào công nghệ và công nghiệp, hoặc mua lại các doanh nghiệp trong vùng.

Qua các cuộc trao đổi, hai bên cùng đánh giá tiềm năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như: công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng logistics, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Đại sứ nhấn mạnh vùng Hauts-de-France - với lợi thế về công nghiệp, giao thông cảng biển và môi trường đầu tư mở - là đối tác đầy triển vọng cho các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam trong chiến lược hội nhập sâu rộng vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Hai bên cũng đã thảo luận về việc tham gia Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp-Việt Nam lần thứ 13 dự kiến tổ chức tại Pháp vào năm 2026, đồng thời thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ "Năm đổi mới sáng tạo Pháp - Việt Nam" với sự kiện French Tech Vietnam Summit dự kiến vào ngày 27/5 tới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn Việt Nam đã tham quan nhiều cơ sở kinh tế-công nghệ tiên tiến của vùng Hauts-de-France.
Tại Trung tâm châu Âu về Dệt May Sáng tạo (CETI), đoàn được giới thiệu về công nghệ dệt may tiên tiến và các giải pháp tái chế vật liệu. CETI hoạt động với vai trò nền tảng phát triển, cung cấp dịch vụ thử nghiệm và tạo mẫu cho ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh các khái niệm và công nghệ trước khi đầu tư.
Ở EuraMaterials, cụm nghiên cứu và phát triển vật liệu mới, đoàn được giới thiệu về mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nhà nước trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Với quy mô hàng đầu châu Âu, EuraMaterials có 3 nhiệm vụ chính: hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, vườn ươm và đơn vị tăng tốc cho các startup và quản lý địa điểm tập trung hệ sinh thái dệt may.
Tại đây, đoàn công tác đã tìm hiểu các công nghệ tiên tiến về vật liệu chức năng, vật liệu sinh học và giải pháp bền vững, đồng thời trao đổi khả năng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo chuyên gia giữa hai bên trong thời gian tới.
Đến EuraTechnologies, một trong những vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu tại Pháp và châu Âu, đoàn đã có cơ hội tìm hiểu về mô hình quản trị công - tư thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp.
Sau 16 năm hoạt động, EuraTechnologies đã tạo ra 500 startup với tỷ lệ hoạt động sau 3 năm là 91% - cao hơn nhiều so với mức trung bình 78% của Pháp.
Đặc biệt, trung tâm có chương trình "Market Validation" giúp các startup nước ngoài khám phá thị trường Pháp với sự hỗ trợ mạnh mẽ của vùng.
Một điểm nhấn đặc biệt của chuyến công tác là buổi thăm và làm việc tại cảng biển lớn Dunkerque. Tại đây, đoàn đã được ông Maurice Georges, Chủ tịch cảng, cùng các cộng sự đón tiếp và trao đổi sâu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics, vận tải biển và phát triển hạ tầng cảng.
Hai bên cùng điểm lại những hợp tác tiêu biểu trong quá khứ - trong đó có vai trò quan trọng của cảng Dunkerque trong việc vận chuyển các toa tàu thuộc tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội về Việt Nam năm 2020, và bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối với các cảng lớn của Việt Nam như cảng Cát Lái, Hải Phòng, thúc đẩy hình thành các tuyến vận tải hàng hóa chiến lược giữa hai nước.
Cũng trong chuyến thăm, đoàn công tác đã khảo sát và trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo tập đoàn Decathlon, nhà sản xuất và phân phối đồ thể thao hàng đầu thế giới đang hoạt động mạnh tại Việt Nam, nhằm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và mở rộng hợp tác bền vững tại thị trường châu Âu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về kết quả chuyến thăm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Qua chuyến công tác này, chúng tôi thấy có rất nhiều kinh nghiệm quý báu để học tập và nhiều cơ hội hợp tác mới. Chúng tôi hy vọng những chuyến thăm như thế này sẽ đóng góp thêm vào việc tạo ra những kết quả cụ thể, hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao và tăng cường quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác trong các dự án phát triển lớn của Việt Nam hiện nay."
Có thể nói chuyến thăm của Đại sứ Đinh Toàn Thắng tại vùng Hauts-de-France là minh chứng cho định hướng đa dạng hóa và làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt-Pháp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động.
Những kết quả từ chuyến thăm này hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp./.