Đẩy mạnh các chương trình kích cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm
Thống kê của Bộ Công Thương trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước .
Thị trường trong nước đang có những dấu hiệu hồi phục. Đáng chú ý, hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm sẽ là giải pháp hữu hiệu để bình ổn thị trường, tạo thêm dư địa cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Siêu thị tung khuyến mại
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, qua đó tăng các cơ hội trải nghiệm mua sắm tới người tiêu dùng.
Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, trong khuôn khổ chương trình Ngôi sao hàng Việt kéo dài đến ngày 13/9, doanh nghiệp đã giảm giá mạnh và ưu đãi hàng loạt mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, giảm giá 30% khi mua sản phẩm thứ hai, thứ tư và thứ sáu... cùng loại gồm bánh ăn sáng Nestle Koko Krunch/Nestle Milo, các mặt hàng sữa chua, sữa tươi nhãn hiệu Vinamilk, TH True Milk các loại giảm 22%, thực phẩm tươi sống với mức giảm giá từ 15-35%...
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart cho biết sau khi tổ chức chương trình khuyến mại Tự hào hàng Việt 2023 với chủ đề "Ngôi sao hàng Việt," sức mua của người tiêu dùng đã tăng mạnh, kết quả này cho thấy người tiêu dùng đã tin tưởng vào hàng hóa xuất xứ Việt Nam.
[Đơn hàng tăng, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực]
Tương tự, từ nay đến hết ngày 23/9, 83 trung tâm thương mại Vincom trên toàn quốc tổ chức chương trình lễ hội “Tươi màu sắc Việt-Vui Tết đoàn viên” với nhiều voucher giảm giá… trong khi hệ thống siêu thị Go!Big C cũng thông báo, từ nay đến hết 20/9, doanh nghiệp cũng tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá với tên gọi “Thương hiệu lớn-khuyến mại lớn” qua đó giảm giá đến 48% cho nhiều sản phẩm.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện đơn vị đã nhận được hàng nghìn chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, gấp đôi năm trước và còn tiếp tục bổ sung thêm trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong tháng 11 tới đây, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ-Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra vào dịp Black Friday, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh... sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Đẩy mạnh bình ổn thị trường
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.
Theo đánh giá, việc triển khai các chương trình kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương không chỉ góp phần hỗ trợ sản xuất-kinh doanh mà còn là giải pháp hữu hiệu góp phần bình ổn thị trường.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, năm nay, Bộ Công Thương cũng có những chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng, được triển khai đến cuối năm, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chương trình khuyến mại quốc gia… để đưa hàng hóa về các thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt Chương trình "Khuyến mại tập trung quốc gia 2023-Vietnam Grand Sale 2023.” từ ngày 4/12/2023-10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc, sẽ là đòn bẩy hữu hiệu nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền của Việt Nam và thu hút du lịch.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tỉnh thành phố và Sở Công Thương các địa phương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho Tết nguyên đán 2024. Tạo sự liên kết để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước nhanh và hiệu quả.
Song song với việc đảm bảo cung-cầu hàng hóa, nhằm bình ổn thị trường, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng Quản lý Thị trường tập trung cao vào việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, gạo, đường, thịt lợn, thuốc lá, vật liệu xây dựng, sách giáo khoa…
“Cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý lực lượng Quản lý Thị trường./.