Đáp ứng các tiêu chuẩn cao để xuất khẩu bền vững sang thị trường Hoa Kỳ

Các chuyên gia lưu ý nếu tận dụng tốt các cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến lớn, đầy triển vọng trong hợp tác thương mại với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đến hết tháng 11/2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 135 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 123 tỷ USD, tăng 23%, còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 12 tỷ USD, tăng 15%.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo hộ như kiểm soát nhập khẩu, áp thuế quan và đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa và giảm phụ thuộc của toàn chuỗi cung ứng vào Trung Quốc, đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo, khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nội địa...

Vì vậy, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, sự linh hoạt và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam không chỉ củng cố vị thế đối tác quan trọng của Hoa Kỳ mà còn đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Nhiều dư địa thúc đẩy thương mại

Trụ cột kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ từ khi thiết lập quan hệ kinh tế năm 1994, trở thành động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm nông sản (càphê, hạt điều, hồ tiêu, gạo), hàng may mặc, giày dép, hải sản (tôm, cá basa) và linh kiện điện tử, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với các dự án nổi bật như Intel (1,5 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD), cùng sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn như Synopsys, Nvidia, và Marvel. Trong quý 3/2024, Việt Nam thu hút 27,78 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hoa Kỳ cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Với ngành da giày, Hoa Kỳ là một thị trường chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), cơ cấu xuất khẩu toàn bộ sản phẩm dệt may, da giày sang Hoa Kỳ nhiều năm liên tục luôn chiếm khoảng 40%, vì thế những biến động tại thị trường này sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với sự thay đổi chính sách sắp tới của thị trường Hoa Kỳ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, ngành gỗ có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Doanh nghiệp da giày đầu tư công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị ngành gỗ cần nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi và đồ nội thất gỗ khác để đáp ứng xu hướng thị trường.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 125 tỷ USD-130 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, ngành dệt may được kỳ vọng đạt 25 tỷ USD, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường, trong khi đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024.

Đối với ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, và hạt điều, được dự báo đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD. Sự ổn định trong chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Hoa Kỳ là yếu tố then chốt giúp ngành này tiếp tục tăng trưởng.

Tuy vậy, để duy trì được xuất khẩu ở mức cao, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên, quản lý Chương trình chính sách công và môi trường, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho rằng ngành gỗ cần chú ý đảm bảo các vấn đề về nguồn gốc gỗ hợp pháp, bảo đảm môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách của Hoa Kỳ, tăng cường đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, tiến sỹ Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết trong nhiệm kỳ trước do ông Donal Trump nắm quyền Tổng thống đã hướng tới những chính sách cốt lõi, bảo vệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới đây, chắc chắn ông Donal Trump cũng sẽ triển khai các chính sách tương tự, tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng bên ngoài, đồng thời sử dụng những công cụ, kéo được những lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Do đó, những chính sách tiếp theo sẽ liên quan đến việc sử dụng công cụ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Hoa Kỳ, với kim ngạch lớn… vì vậy, theo chuyên gia này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là một số nhóm hàng mà Việt Nam tham gia chuỗi giá trị còn thấp, nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu của nước khác… nguy cơ có thể bị áp một số biện pháp như chống gian lận thương mại, phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp da giày đầu tư công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

“Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để từ đó có thể nắm bắt cơ hội xuất khẩu cũng như hạn chế các rủi ro, đồng thời liên hệ với thương vụ để nắm bắt các chính sách từ thị trường,” tiến sỹ Lê Huy Khôi nói.

Các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ vào chi phí lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư thuận lợi và năng lực sản xuất ngày càng nâng cao. Người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm bền vững, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sản xuất và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, để gia tăng xuất khẩu, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Các ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp ... phục vụ nhu cầu tiêu dùng vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các ngành hàng khác cũng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý khả năng các vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy ra,” ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý.

Với nền tảng vững chắc từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và các cơ hội từ xu hướng toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2025 không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia lưu ý nếu tận dụng tốt các cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến lớn, mở ra một chương mới đầy triển vọng trong hợp tác thương mại với Hoa Kỳ./.