Đào Thất thốn - Loài hoa quý làm đẹp thêm vùng đất Hà thành mỗi dịp Xuân
Không to như đào thế, đào rừng, nhưng đào Thất thốn - loài hoa tiến vua xưa - lại được coi như “vương hậu” của các loài hoa đào, bởi vẻ đẹp tinh tế, kiêu sa hiếm có.
Nói đến hoa đào, người sành chơi ở Hà Nội không thể không nhắc đến đào Thất thốn - loại hoa đào tiến vua, thời xưa chỉ các bậc nhà giàu, vua chúa mới được thưởng lãm vì nó rất quý, hiếm và độc lạ.
Giống như tên gọi, giống đào này thường chỉ cao 7 thốn (hơn 1 mét), dáng nhỏ nhắn, không to như đào thế, đào rừng, nhưng lại được coi như “vương hậu” của các loài hoa đào, bởi vẻ đẹp tinh tế, kiêu sa mà hiếm loài đào nào có được.
Đào Thất thốn mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Từ gốc đào đến các cành nhỏ đều có dáng vẻ xù xì, rêu mốc, nổi những u, những mấu. Đặc biệt, những gốc đào lâu năm mang rõ vẻ phong trần, sương gió tựa gốc tùng già.
Cái tên Thất thốn cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Có người cho rằng, tên cây xuất phát từ các đặc điểm tự nhiên của đào. “Thốn" là đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam, mỗi thốn bằng 1 đốt ngón tay, mỗi cây chỉ có chiều cao khoảng 1 m. “Thất” chỉ giống đào ra rất ít hoa. Tuy nhiên, cũng có người hiểu theo nghĩa bóng, "thất" là mất mát, thốn "thiếu thốn", tức là người mua đào Thất Thốn với mong muốn năm mới mất đi những thiếu thốn để mưu cầu no đủ, vinh hoa.
Có người giải thích về tên gọi Thất thốn theo 3 nghĩa:
Thứ nhất đó là mỗi cây đào Thất thốn thì cứ khoảng 7 "thốn" lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất.
Thứ hai đó là, lá đào Thất thốn dài 7 khoảng thốn, gấp 3 đến 4 lần so với lá đào thường.
Thứ ba đó là 7 năm đào Thất thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.
Cây đào Thất thốn có dáng bé nhỏ, thân màu đen tuyền, có rêu phong thậm chí bị nấm mốc mới “độc”, trồng 3 năm mới đơm hoa, 7 năm cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh. Đào Thất Thốn đẹp nhất là có tán hình nấm, lá dày, xanh thẫm, cành mọc chia đều ra xung quanh. Có cây không lá, không chồi, không hoa, nụ đen xì, nhưng giữa “cành củi” mốc meo ấy là những nụ hoa đào ẩn mình chờ đâm chồi, nảy lộc.
Màu đỏ của hoa đào kết hợp với nhị hoa vàng rực, chỉ một bông nở đã làm sáng bừng cả không gian, đem lại cảm giác ấm áp của mùa xuân. Loại hoa này còn quý ở chỗ hoa nở càng nhiều thì cành càng nhanh phai tàn, cây càng ít bông thì lại càng bền lâu.
Trước khi nở hoa, đào Thất thốn bao giờ cũng bung chồi lộc, xanh tía như lưỡi kiếm. Vào ban đêm, hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được.
Mỗi bông hoa có khoảng 49 cánh hoa được xếp dày dặn, trong khi đào thường chỉ có khoảng trên dưới 20 cánh hoa. Những bông hoa kép có thể lên tới 50 cánh/bông.
Đặc biệt hơn, hoa đào Thất thốn còn có thể mọc ở giữa gốc và thân. Có cây, hoa còn mọc ở sát mặt đất hay ủ nụ vài năm mới nở hoa. Hoa, lá đào thất thốn khi tàn sẽ co lại chứ không rụng như đào thường.
Theo các nghệ nhân trồng đào, đào Thất thốn là loại đào cổ, hiếm và rất đắt đỏ. Để có được một gốc đào Thất thốn trưởng thành có thể cho thu hoạch, ước tính phải mất 10 đến 12 năm chăm sóc.
Vào ban đêm hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được.
Đào Thất thốn nở hoa không bao giờ nở đúng tết dịp Nguyên đán mà thường chỉ ra hoa vào khoảng Rằm tháng Giêng để đón "tháng ăn chơi." Ngày nay, các nhà vườn chăm cây ở Nhật Tân, Hà Nội thường phải tìm nhiều phương pháp nhằm "ép" cho đào Thất thốn ra hoa nở đúng dịp Tết, tuy vậy, điều này cũng rất khó thực hiện.
Vì những đặc điểm quý, hiếm và độc đáo của đào Thất thốn mà loại đào này thường có giá rất đắt đỏ. Một cây đào Thất thốn mini ở Hà Nội cao từ 30cm đến 40cm có mức giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng một chậu, cây đào to, đẹp hơn mức giá có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng./.