Đắk Lắk lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Theo anh Trần Duy Đức, dân tộc Tày, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện là chủ trương đúng đắn.
Tỉnh Đắk Lắk đang tổ chức ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Việc lấy ý kiến cử tri đại diện từng hộ gia đình diễn ra từ ngày 18/4 đến nay theo hình thức phát phiếu tại cuộc họp lấy ý kiến ở thôn, buôn, tổ dân phố hoặc phát phiếu cho từng hộ gia đình.
Sáng 20/4, Tổ lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố 6, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột sớm phân công nhiệm vụ để vừa lấy ý kiến cử tri tại Hội trường tổ dân phố, vừa đến nhà từng hộ dân trong các hẻm, tuyến đường để lấy ý kiến, đảm bảo các phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình.
Theo anh Trần Duy Đức, dân tộc Tày, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện là chủ trương đúng đắn.
Anh ủng hộ và tin tưởng, sau khi tinh gọn bộ máy, đất nước sẽ phát triển tốt đẹp hơn, bộ máy chính quyền mới giảm số lượng song nâng cao chất lượng hoạt động.
Nhận phiếu từ thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri tại nhà, ông Nguyễn Ngọc Hiên, giáo dân giáo xứ Chính Tâm, phường Tân Lợi cho biết quê mẹ của ông ở Phú Yên. Việc sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên là hợp lý. Như vậy, tỉnh mới sau khi sáp nhập sẽ có biển, có núi, có rừng.
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm lực, khi sáp nhập sẽ cùng tỉnh Phú Yên xây dựng tỉnh mới ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn.
"Chủ trương sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, sẽ giúp giảm tải nhiều thủ tục hành chính, giảm chi ngân sách cho bộ máy Nhà nước, đồng thời nâng cao trình độ, ý thức, trách nhiệm cũng như cách làm việc của cán bộ, công chức để chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn. Việc lấy kiến nhân dân cho thấy việc tinh gọn tổ chức bộ máy rất sát dân, dân chủ, trong đó nhiều ý kiến hay của nhân dân sẽ giúp ích cho công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy," ông Nguyễn Ngọc Hiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ lấy ý kiến cử tri Tổ dân phố 6, phường Tân Lợi cho biết Tổ dân phố 6 hiện có 1.038 hộ dân thường trú và khoảng 300 hộ dân tạm trú.
Những ngày qua, Tổ lấy ý kiến cử tri đã tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, qua nhóm Zalo, Facebook, thông báo địa điểm tập trung về Hội trường tổ dân phố để lấy ý kiến cử tri; đồng thời triển khai cho cấp ủy, thành viên đi xuống nhà dân ở một số hẻm đường để lấy ý kiến.
Hầu hết, nhân dân đồng tình cao và mong muốn cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sẽ thắng lợi, giúp dân giàu, nước mạnh, đất nước Việt Nam vươn mình tự tin, tự chủ, tự lực và tự hào, tự cường để phát triển về mọi mặt.
Tại buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tối 19/4, đại diện các hộ gia đình trong buôn tập trung tại Nhà văn hóa cộng đồng để họp.
Sau khi được Ủy ban Nhân dân xã và Tổ lấy ý kiến cử tri thông tin, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bà con đã nắm bắt cơ bản nội dung Đề án và cho ý kiến vào phiếu.
Theo anh Y Nô Ly Kbuôr, người dân buôn Trí, anh nhất trí, đồng tình với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Anh mong muốn, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ thúc đẩy đời sống của bà con trong buôn ngày càng phát triển hơn, mở rộng và kết nối phát triển du lịch để du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng ở buôn Trí đông hơn.
Đồng thời, anh Y Nô Ly Kbuôr mong muốn, sau khi sáp nhập, hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp xã tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Già làng Y Dhun Hmok, dân tộc Ê Đê, buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana cho biết Tổ lấy ý kiến cử tri đến tận nhà các hộ gia đình và lấy ý kiến.
Là người đã từng chiến đấu, “vào sinh ra tử” trong thời chiến và cống hiến cho địa phương trong thời bình, già Y Dhun Hmok thấy việc sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên là phù hợp, vì hai tỉnh này đã có nghĩa tình gắn bó trong những năm tháng kháng chiến. Tuy nhiên, cần đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, nhất là Quốc lộ 29 để bà con hai tỉnh đi lại thuận lợi, giao thương thông thoáng hơn.
"Xã Dur Kmăl là xã có truyền thống cách mạng lâu đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm bà con và trồng cây sao ở sân Ủy ban Nhân dân xã, được bà con rất trân quý, trở thành biểu tượng của đại đoàn kết các dân tộc. Do đó, bà con buôn Dur mong muốn, đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ giữ tên xã Dur Kmăl và đặt trụ sở hành chính của xã mới tại Dur Kmăl," già Y Dhun Hmok nhấn mạnh.
Già Y Dhun Hmok kỳ vọng bộ máy của hệ thống chính trị sau khi tinh gọn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tiếp tục đoàn kết nhân dân; tiếp tục triển khai những chính sách lớn về an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: xóa nhà tạm, nhà dột nát; nâng cấp, tu sửa các tuyến đường nội buôn; giải quyết thấu đáo chế độ cho người có công với cách mạng; quan tâm tạo việc làm cho thanh niên đã tốt nghiệp đại học.
Đồng thời, cán bộ trong bộ máy có trình độ, năng lực công tác, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với công việc.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, sau khi hợp nhất, tỉnh Đắk Lắk mới có 101 đơn vị hành chính trực thuộc. Việc lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi lấy ý kiến nhân dân, Tổ lấy ý kiến cử tri tổng hợp kết quả, lập biên bản và gửi về Ủy ban Nhân dân cấp xã trước 8 giờ ngày 21/4.
Ủy ban Nhân dân cấp xã, huyện tổng hợp, lập báo cáo kết quả, đảm bảo tiến độ để trình Hội đồng Nhân dân các cấp xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã từ ngày 21-22/4/2025.
Đối với cấp tỉnh, trong ngày 23/4, Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã./.