Đắk Lắk: Ghi nhận trường hợp thứ hai mắc viêm não Nhật Bản tại huyện Ea Kar
Bệnh nhân T.V.D (nam, sinh năm 1972, tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar), dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản, hiện đang hôn mê, thở máy, tổn thương thận cấp, suy hô hấp, động kinh...
Ngày 4/7, ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, xác nhận địa phương vừa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại huyện Ea Kar.
Đây là trường hợp mắc viêm não Nhật Bản thứ hai được ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.
Bệnh nhân là T.V.D (nam, sinh năm 1972, tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar).
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 19/6, ông T.V.D xuất hiện các triệu chứng sốt, người mệt. Ông có đi khám tại phòng khám tư nhân, mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 21/6, người nhà đưa bệnh nhân đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) với chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm trùng huyết nghi từ nhiễm trùng thần kinh trung ương.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản. Đến nay, bệnh nhân hôn mê, thở máy với chẩn đoán viêm não Nhật Bản biến chứng hôn mê, tổn thương thận cấp, suy hô hấp, động kinh, tăng huyết áp.
Ngay khi ghi nhận thông tin trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh và triển khai các biện pháp điều tra véctơ truyền bệnh, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân.
Kết quả điều tra cho thấy trong vòng 3 tuần qua, bệnh nhân không đi khỏi địa phương. Môi trường xung quanh nhà bệnh nhân có ao hồ, nước đọng, gần nhà có ruộng lúa, các hộ xung quanh nhà bệnh nhân có nuôi bò và dê.
Điều tra véctơ truyền bệnh ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véctơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng. Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B tại xã Ea Kmút từ năm 2021 đến nay đều chưa đạt. Đáng chú ý, trong đó 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng mũi 3 chỉ đạt 32,6%.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán xác định trường hợp bệnh.
Sở Y tế cần tăng cường giám sát, theo dõi, phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh viêm não Nhật Bản; tăng cường truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản B.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm vì chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao./.