Đại diện EU thừa nhận cạn kiệt các biện pháp trừng phạt Nga
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cho biết EU gần như cạn kiệt các biện pháp có thể trừng phạt Nga.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang Euractiv, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cho biết EU gần như cạn kiệt các biện pháp có thể trừng phạt Nga.
Ông Borrell nói: "Không còn lại nhiều (phương án) để có thể thực hiện." Theo ông Borrell, đây là điều bình thường trong bối cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài. Ông giải thích rằng “sẽ rất lạ” nếu còn nhiều lựa chọn.
Ông cũng cho hay EU đang tiến đến "những nấc thang cuối cùng." Giờ đây, EU cần tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các cuộc thảo luận của EU về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trở nên khó khăn hơn khi liên minh đã áp đặt mọi lệnh trừng phạt nghiêm khắc có thể đưa ra đối với Moskva và “không còn nhiều biện pháp để áp dụng."
[Nga phản đối gói trừng phạt mới của EU nhằm vào 121 cá nhân, thực thể]
Hôm 25/2, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào 121 cá nhân và thực thể Nga.
Theo đó, các cá nhân trong diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản tại EU và không được cấp thị thực nhập cảnh EU.
Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.
Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn./.