Đặc sắc Triển lãm nghệ thuật cắm hoa truyền thống quốc tế tại Tokyo

Chủ trì hội chợ năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã giới thiệu về nét đẹp của hoa sen, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang phục áo dài truyền thống đến với bạn bè Nhật Bản và quốc tế.

Một kiệt tác Ikebana tại Triển lãm. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/12, Triển lãm nghệ thuật cắm hoa truyền thống quốc tế (Ikebana International Fair) đã diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với sự tham gia của nhiều nghệ nhân cắm hoa nổi tiếng của đất nước “Mặt Trời mọc”.

Quang cảnh Hội chợ Từ thiện Ikebana 2024. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì phối hợp với 20 Đại sứ quán các nước tại Nhật Bản tổ chức Hội chợ Từ thiện Ikebana 2024 nhằm gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Triển lãm nghệ thuật cắm hoa truyền thống quốc tế năm nay có sự tham dự của Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba - bà Yoshiko Ishiba, Phu nhân Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi - bà Yuko Hayashi, Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu - bà Thái Thu Hồng cùng đại diện Đại sứ quán nhiều nước tại Nhật Bản.

Tại cuộc triển lãm, khách tham quan được thưởng thức 31 phong cách cắm hoa nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, từ đơn giản đến phức tạp, từ đa dạng màu sắc đến nghệ thuật tạo hình đặc sắc.

Một kiệt tác Ikebana tại Triển lãm. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nghệ nhân Shindo Kasei đến từ Kyoto cho biết ông vốn xuất thân từ gia đình có 10 đời trồng hoa và lưu truyền nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản. Ikebana không chỉ đơn giản là nghệ thuật cắm hoa mà còn có mối quan hệ với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản khác như trà đạo, thư pháp, kịch Kabuki.

Tác phẩm mà ông Shindo mang đến triển lãm có tên là Tachiike Kotenba với sự kết hợp của loài cúc tím từ Đà Lạt và cúc vàng Nhật Bản, mang ý nghĩa mong muốn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ đời đời bền vững và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Về phần mình, nghệ nhân Ichifu Meikyo giới thiệu một trường phái Ikebana có lịch sử hàng trăm năm. Những gia đình Nhật Bản theo phong cách truyền thống thường bố trí một góc cắm hoa riêng gọi là Tokonoma. Phong cách cắm hoa theo công thức riêng nhưng chủ yếu sử dụng các loại hoa thông thường trồng trong vườn nhà. Tác phẩm lần này được lấy ý tưởng từ cây thông Noel để chào đón Giáng sinh đang đến gần.

Trong khi đó, nghệ nhân tăng ni Hagiwara Doshu đến từ một ngôi chùa của tỉnh Nara giới thiệu trường phái cắm hoa Yamamura Goryu với phong cách trang trí sân vườn. Ngoài màu sắc đỏ là chủ đạo, tác phẩm còn điểm xuyết sắc vàng tạo nên sự sống động, cũng như tận dụng các phong cách riêng của nhiều loại hoa xung quanh để tạo ấn tượng mạnh đối với người xem.

Yamamura Goryu là trường phái theo chủ thuyết tự nhiên của cây cỏ nên tất cả các loài hoa đều cố gắng được giữ nguyên trạng nhằm bảo lưu sự tự nhiên, thuần khiết của cây cỏ. Mỗi cách thưởng thức và cảm nhận của khách tham quan là phần thưởng lớn đối với từng nghệ nhân cắm hoa.

Bên cạnh hoạt động Triển lãm nghệ thuật cắm hoa truyền thống còn diễn ra Hội chợ Từ thiện Ikebana 2024 do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì phối hợp với Đại sứ quán một số nước tại Nhật Bản tổ chức nhằm gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc hội chợ, bà Thái Thu Hồng, Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh Triển lãm nghệ thuật cắm hoa quốc tế và hội chợ là nhịp cầu giao thoa văn hóa đặc biệt, nơi người dân Nhật Bản, Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương và sẻ chia. Điều quan trọng nhất là mọi người tận dụng những khoảnh khắc bên nhau để cầu ước cho một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

Với vai trò chủ trì hội chợ năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngoài việc giới thiệu về nét đẹp của hoa sen, quốc hoa của Việt Nam, còn mang đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang phục áo dài truyền thống cũng như trình diễn nghệ thuật múa rối nước đến với bạn bè Nhật Bản và các nước./.