Cuộc thi Tiếng hát Hà Nội trở lại với phiên bản mới, hấp dẫn hơn
Cuộc thi là một “sân chơi” uy tín và hướng đến sự chuyên nghiệp. Các thí sinh đoạt giải sẽ có cơ hội tham gia vào các sự kiện nghệ thuật lớn của thành phố.
Chiều 29/8 tại Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội gặp gỡ báo chí giới thiệu về Cuộc thi Tiếng hát Hà Nội năm 2023 nhằm tìm kiếm những giọng ca tài năng, chuyên nghiệp.
Tiền thân của “sân chơi” này là Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 và duy trì định kỳ trung bình 2 năm một lần. Song, kể từ năm 2010, cuộc thi bị gián đoạn vì nhiều lý do.
Đây là một trong những cuộc thi thanh nhạc đầu tiên trên cả nước, được đánh giá là có chất lượng chuyên môn cao và có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông đảo đồng thời cũng là một chương trình có thương hiệu lâu năm của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội.
[Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội: Thí sinh phải hát mộc ở vòng sơ tuyển]
Nhiều ca sỹ đã từng đoạt giải trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội hiện nay đã thành danh, được công chúng yêu mến như Nghệ sỹ Ưu tú Mai Hoa, Nghệ sỹ Ưu tú Phương Anh, ca sỹ Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Hoàng Quyên, Kasim Hoàng Vũ…
Cuộc thi Tiếng hát Hà Nội năm 2023 có sự phối hợp của các tổ chức và cơ quan chuyên môn như Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, cùng sự ủng hộ của các nghệ sỹ thanh nhạc hàng đầu.
Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc-Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội cho biết cuộc thi hướng tới yếu tố chuyên môn cao cũng như hỗ trợ sự phát triển của các tài năng trẻ, đề cao những giá trị thẩm mỹ về âm nhạc.
“Cuộc thi tìm kiếm những gương mặt mới giàu triển vọng đồng thời là nơi các nghệ sỹ trẻ tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Chúng tôi khuyến khích các thí sinh hát ca khúc mới về Hà Nội và các tác phẩm cho chính thí sinh sáng tác,” nhà báo Nguyễn Kim Khiêm cho hay.
Từ sau vòng sơ loại, các thí sinh sẽ được Ban tổ chức tạo điều kiện để có thể thể hiện hết khả năng của mình với công chúng bằng các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội phù hợp. Cụ thể, mỗi thí sinh được tạo kênh YouTube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình tham gia cuộc thi. Lượt xem, lượt yêu thích và các tương tác trên kênh sẽ là một cơ sở để Ban tổ chức đánh giá và tìm ra thí sinh được khán giả yêu thích nhất.
Theo nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi so với mọi năm, khi khán giả sẽ là giám khảo từ vòng bán kết, giúp thí sinh không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, kỹ thuật trình diễn mà còn có ý thức về vai trò "người của công chúng" để xây dựng và hoàn thiện hình ảnh của mình trước khán giả.
Nghệ sỹ Nhân dân Quang Vinh, Trưởng Ban Giám khảo cho rằng đây là một “sân chơi” uy tín, hướng đến sự chuyên nghiệp. Với “bệ đỡ” là một cơ quan truyền thông lớn, các thí sinh đoạt giải sẽ có cơ hội tham gia vào các sự kiện nghệ thuật lớn của thành phố, xuất hiện trên các chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm âm nhạc, các chương trình nghệ thuật do Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội sản xuất, phát hành.
“Hà Nội không chỉ có những thanh âm ‘leng keng tàu sớm khuya’ hay tiếng ‘bom rơi thời chiến tranh’. Hà Nội ngày nay là một Thủ đô năng động, sáng tạo, hội nhập và các bạn trẻ sẽ mang đến rất nhiều góc nhìn mới mẻ qua các bài hát,” Nghệ sỹ Nhân dân Quang Vinh nói.
Thí sinh tham dự cuộc thi là công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, có độ tuổi từ 18-32. Thí sinh đăng ký dự thi qua ứng dụng Hanoi On từ ngày 29/8 đến 20/9. Các vòng thi bắt đầu từ ngày 20/9 đến ngày 28/10.
Các vòng sơ khảo, bán kết được tổ chức tại Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (số 5 Huỳnh Thúc Kháng). Đêm chung kết xếp hạng được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng và hạ tầng của đài.
Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, ngoài ra còn có 3 giải Nhì, 6 giải Ba và các giải phụ khác./.