Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề nóng về môi trường, sách giáo khoa
Các ý kiến, đề xuất của cử tri tại các buổi tiếp xúc sẽ được tiếp thu, tổng hợp để chuyển đến Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri của các Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương, cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề nóng về môi trường, đất đai, vấn đề sách giáo khoa, bảo hiểm y tế...
Các kiến nghị về lĩnh vực giao thông, môi trường
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại cụm xã Chiềng Công, Chiềng Ân và Chiềng Muôn, huyện Mường La do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức ngày 11/10, cử tri tại cụm xã đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư nâng cấp tuyến đường từ bản Tà Pù Chử, xã Chiềng Ân đến xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) với tổng chiều dài hơn 40km; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường từ bản Nong, xã Chiềng San (huyện Mường La) đi huyện Bắc Yên (Sơn La) để thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân.
Ngoài ra, cử tri kiến nghị các cấp có thẩm quyền đầu tư mở tuyến đường từ trung tâm xã Chiềng Công đến xã Háng Chú (huyện Bắc Yên) để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái trong tương lai; mở tuyến đường từ trung tâm xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) đến xã Sà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) với chiều dài hơn 20km.
Trong khi đó, trong 2 ngày 9-10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại xã Tịnh Kỳ và phường Quảng Phú (thành phố Quảng Ngãi); các xã Hương Trà, Trà Tân (huyện Trà Bồng); xã Bình Chương (huyện Bình Sơn).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Tịnh Kỳ bày tỏ nhiều ý kiến, kiến nghị như: sớm đầu tư bờ kè chống sạt lở bờ biển tại thôn An Vĩnh thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão; tỉnh chỉ đạo các nhà đầu tư sớm xây dựng, hoàn thành các dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án; đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ và du lịch tại khu vực Thạch Ky Điếu Tẩu...
Cử tri cũng kiến nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần kiểm tra, xử lý việc Nhà máy Bột cá Thanh Hoa hoạt động gây ra mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân, nhất là vào ban đêm.
Cử tri phường Quảng Phú cho biết hiện nay, nhiều hộ dân sống trong, gần hành lang đường sắt, bị hạn chế trong đầu tư về điện chiếu sáng, nước máy, đường đi lại…, đề nghị xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành đường sắt với chính quyền địa phương các cấp để có hướng giải quyết bất cập này. Dự án làm Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi khi hoàn thành đã làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn, làm xói mòn và bồi lấp hơn 4.500m2 đất sản xuất nông nghiệp của 12 hộ dân, đề nghị các cơ quan sớm có giải pháp giải quyết quyền lợi cho bà con.
[Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10]
Cử tri cũng nêu các kiến nghị liên quan đến việc một số nhà công sản không sử dụng, bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí; sân bay cũ để lâu không sử dụng trở thành điểm vứt rác, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường; trạm y tế cơ sở xây dựng lâu đời đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh cho người dân...
Cử tri các xã Hương Trà, Trà Tân (huyện Trà Bồng) đề xuất Trung ương nâng mức đầu tư xây dựng cơ bản và triển khai Dự án Hợp phần Phương thức Sản xuất từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đối với xã thuộc diện sáp nhập theo Nghị quyết 867 của Quốc hội; nâng mức hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho người có công với cách mạng; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở miền núi; có chính sách và tiêu chí đặc thù cho các xã miền núi trong xây dựng nông thôn mới; sử dụng hiệu quả các trụ sở cơ quan sau khi sáp nhập, tránh lãng phí; quan tâm giải quyết việc làm cho sinh viên dân tộc thiểu số sau khi ra trường...
Cử tri xã Bình Chương (huyện Bình Sơn) đề nghị xây dựng đường giao thông nông thôn; nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 622B đi qua địa bàn xã; giải quyết việc cấp sổ đỏ cho người dân từ khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa từ những năm 2016-2017 đến nay vẫn chưa được cấp lại.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại huyện Long Mỹ do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức, các ý kiến, kiến nghị của cử tri xoay quanh tình trạng giao thông nông thôn xuống cấp; một số nơi trên địa bàn chưa được đầu tư đường giao thông. Cử tri đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, Ủy ban Nhân dân huyện Long Mỹ quan tâm rà soát, đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường nông thôn, giải quyết sớm tình trạng khó khăn về đi lại cho nhân dân.
Cử tri đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đường ôtô về Trung tâm xã Vĩnh Viễn A bởi tuyến này thi công nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện.
Cử tri xã Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cũng phản ánh việc chậm tiến độ trong công tác di dời tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm như: Cảng biển Mỹ Thủy, Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị đã gây khó khăn cho người dân, nhất là việc sản xuất, xây dựng sửa chữa, nâng cấp nhà ở.
Các vấn đề nóng về giáo dục, y tế
Trong khi đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri Bến Tre trong các buổi tiếp xúc là về sách giáo khoa. Chị Đ.T.N.N ở xã Long Định (huyện Bình Đại) cho biết, nhiều năm trước, sách giáo khoa của các anh chị lớp lớn thường để lại cho các em lớp sau.
Những năm gần đây, khi học theo Chương trình Giáo dục Phổ thông Mới, các trường lựa chọn các bộ sách khác nhau, việc học lại sách giáo khoa gặp khó khăn. Với những gia đình kinh tế eo hẹp, việc mua sách mới cho con trở thành "gánh nặng" trong dịp đầu năm học (mỗi bộ sách giá gần 1 triệu đồng). Những cuốn sách vẫn còn rất mới, chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ gây lãng phí. Chị N cũng cho rằng sách giáo khoa về Giáo dục thể chất cho trẻ lớp 1 là không cần thiết.
Cử tri đề xuất Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên, gây lãng phí; đề nghị Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương...
Ngoài ra, cử tri các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng quan tâm, kiến nghị Quốc hội các vấn đề liên quan đến việc cần có hành lang pháp lý cho việc thu chi đúng quy định, có kiểm soát, minh bạch tài chính, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường vốn cứ "đến hẹn lại lên" mỗi đầu năm học.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế, cử tri các xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách), Châu Hưng (huyện Bình Đại), Tam Phước (huyện Châu Thành)… đều có chung băn khoăn về việc mua bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên.
Theo anh L.V.R, xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách), bảo hiểm y tế hộ gia đình và các mức giảm phí theo số lượng thành viên trong gia đình đã thu hút nhiều gia đình tham gia, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên hiện nay còn có bất cập khi tham gia bảo hiểm y tế như nhà có con đi học phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc tại trường, do đó số lượng thành viên trong gia đình sẽ giảm xuống, không đủ để nhận mức giảm phí tốt nhất.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều quyền lợi của người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế chưa được đảm bảo như tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế, vấn đề chuyển tuyến và thái độ phụ vụ của đội ngũ nhân viên tại các bệnh viện công lập…
Cử tri kiến nghị phải có những thay đổi phù hợp về chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe người dân.
Cử tri Hậu Giang đề nghị các cấp, ngành tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng quảng cáo, thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Đồng thời, cử tri kiến nghị ngành y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; sớm khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế ở cơ sở.
Nhiều vấn đề liên quan đến đất đai
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các huyện huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Bình Giang của tỉnh Hải Dương phản ánh khó khăn bất cập trong thi hành Luật Đất đai hiện tại, cụ thể là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân diễn ra chậm; quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý đất đai từ cấp xã đến cấp huyện. Cử tri đã nhiều lần làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm...
Nhiều cử tri cũng đề nghị các cấp, ngành quan tâm kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của chi bộ thôn; cơ chế hỗ trợ linh hoạt về xây dựng nông thôn mới đối với những địa phương giao nhiều đất cho xây dựng khu công nghiệp; khẩn cấp các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với dòng sông Sặt; xem xét nâng giá đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét vị trí cơ quan hành chính của các xã sau sáp nhập để thuận tiện cho nhân dân khi làm thủ tục; quan tâm đến tài sản công, tránh lãng phí ở những địa phương sau sáp nhập; hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng lúa; nâng cấp đường giao thông nội đồng để thuận lợi cho người dân trong sản xuất...
Trong khi đó, cử tri Hà Nam mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Cử tri phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý mong muốn Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo quyền lợi về bồi thường, hỗ trợ tốt nhất cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án; quy định về tính giá bồi thưởng đối với đất nông nghiệp, đất ở phải linh hoạt, sát với giá thực của thị trường, chính sách về bố trí đất tái định cư phải theo hướng có lợi nhất cho người dân.
Cử tri phường Lam Hạ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm, trao đổi, kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm quyền lợi về đất dịch vụ 7% của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp; các dự án đã được quy hoạch trên địa bàn phường sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống.
Cử tri huyện Lý Nhân đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 về đấu giá cho thuê đất công ích do Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý bởi nhiều diện tích đất công ích do Ủy ban Nhân dân xã quản lý không thực hiện đấu giá cho thuê đất được vì liên quan đến thẩm quyền, các thủ tục đấu giá, kinh phí đấu giá, diện tích nhỏ lẻ, sản xuất chăn nuôi không có lãi thậm chí bị lỗ vốn nên không có người tham gia đấu giá; triển khai đồng bộ việc khám chữa bệnh bằng căn cước công dân đã tích hợp bảo hiểm y tế.
Đề xuất mở rộng đối tượng hưởng lợi từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, từ ngày 5-6/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An..., qua đó tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp các kiến nghị chuyển tới cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Cử tri các xã thuộc huyện Bảo Lâm kiến nghị các ngành chức năng cần khẩn trương đầu tư kéo điện lưới quốc gia đến các xóm khó khăn trên địa bàn huyện; xem xét mở rộng thêm các đối tượng hưởng lợi từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu thực hiện chế độ cán bộ, công chức liên thông 4 cấp để thuận tiện cho việc luân chuyển, điều động cán bộ...
Cử tri cũng đề xuất các ngành chức năng nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách riêng đối với những diện tích rừng thuộc rừng sản xuất để người dân cải tạo trồng rừng hoặc các cây trồng khác được hưởng lợi và phát triển kinh tế về rừng; xem xét thay đổi hoặc bỏ một số chương trình không còn phù hợp như việc hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, thay vào đó là tập trung chuyển nguồn lực sang đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; xây dựng trạm thu phát sóng điện thoại để người dân sớm tiếp cận với công nghệ thông tin.
Tại huyện Bảo Lạc, cử tri đề nghị các ngành chức năng xem xét tăng phụ cấp cho cán bộ thôn, xóm; xây dựng phương án giải quyết vấn đề đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân; có chế độ trợ cấp cho trẻ em dưới 3 tuổi trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia để làm cơ sở, căn cứ triển khai hiệu quả, kịp thời…
Trong khi đó, cử tri huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh nêu một số ý kiến, kiến nghị, trong đó có các nội dung liên quan đến tháo gỡ một số vướng mắc về nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia; nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo quy định; trách nhiệm của cơ quan đơn vị được giao kế hoạch vốn thực hiện; công tác đấu thầu mua sắm vật tư, vật liệu cây, con giống; về huy động sử dụng lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo.
Những kiến nghị, đề xuất của cử tri tại các địa phương sẽ được tiếp thu, tổng hợp để chuyển đến Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.