Công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái
Thành phố Yên Bái nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1039/QĐ-TTg ngày 12/9/2023 công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái.
Công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái (phạm vi gồm toàn bộ thành phố Yên Bái hiện hữu, trong đó khu vực nội thành dự kiến gồm có 9 phường hiện hữu và 3 xã là Giới Phiên, Tân Thịnh và Văn Phú).
Thành phố Yên Bái nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển, có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ đô thị; có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, đa dạng về địa hình, thuận lợi để hình thành một đô thị có bản sắc, tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa phong phú.
[Yên Bái phải phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc]
Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, thành phố Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.
Nhờ đó, kinh tế thành phố phát triển với tốc độ nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh Yên Bái đứng thứ 6/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, trong đó thành phố Yên Bái đóng góp hơn 30%.
Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất của thành phố Yên Bái đạt 10,36%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 88,41%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần xuống còn 0,67%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%.../.